Nuôi “lợn siêu nạc”, người nông dân làm hại chính mình

Bộ NN&PTNT cần xử lý nghiêm, triệt để và kiến nghị với Bộ Y tế loại khỏi danh mục những chất nguy hại dùng trong chăn nuôi, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng.

Vấn đề “lợn siêu nạc” – lợn được nuôi bằng chất cấm, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian gần đây. Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thì việc sử dụng chất cấm đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp.

Kết quả giám sát, kiểm tra của Cục Thú y cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu gia súc được lấy từ các trang trại chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương cho kết quả dương tính với nhóm B agonist (là nhóm hoócmon tăng trưởng có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm – bị cấm ở Việt Nam đã 10 năm); 26% số mẫu thịt lấy từ các lò mổ phát hiện có chất cấm. Con số này thực sự gây “sốc” cho người chăn nuôi, người tiêu dùng và cả các chuyên gia.

Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế đã nhiều lần bác bỏ chất này trong chăn nuôi bởi tính nguy hại của nó đối với sức khỏe con người. Câu hỏi đặt ra là tại sao những chất này vẫn lọt được vào thị trường Việt Nam và được sử dụng tràn lan đến như vậy, trách nhiệm trong vấn đề này thuộc về ai?

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, với việc sử dụng chất cấm, thì chính người chăn nuôi không chính đáng đang tự làm hại mình, đồng thời làm tổn hại tới những nền sản xuất chăn nuôi trong nước.

Dư luận cho rằng, vấn đề quan trọng là Bộ NN&PTNT cần xử lý nghiêm, triệt để và kiến nghị với Bộ Y tế loại khỏi danh mục những chất nguy hại dùng trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng và người chăn nuôi cần nói “không” với chất độc hại. Còn việc lấy mẫu kiểm tra, đưa ra các con số rồi dừng lại chẳng khác nào “đánh trống bỏ dùi”.

Phóng viên Đài TNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương:

** Thưa ông, vì sao chúng ta có cả một hệ thống các chi cục chăn nuôi, chi cục thú y khắp cả nước, nhưng chất cấm trong chăn nuôi vẫn lọt vào Việt Nam và được sử dụng tràn lan như vậy?

** Tôi xin nói lại là việc chất cấm lọt vào Việt Nam là có, nhưng “tràn lan” là chưa đúng. Vấn đề quản lý chất này rất phức tạp. Ví dụ như Thái Lan phải mất 5 năm, Trung Quốc cũng đang đau đầu với vấn đề này. Ở Việt Nam, việc phát hiện chất cấm cũng rất bình thường, cho nên cần phải tăng cường giám sát và kiểm tra tại thời điểm này.

** Con số 43% số mẫu nước tiểu, được lấy từ các trang trại chăn nuôi ở các tỉnh phía Nam, cho kết quả dương tính với nhóm B agonist vẫn chưa khẳng định được việc sử dụng chất cấm là tràn lan?

** Con số 43% số mẫu mà Chi cục Thú y TP HCM lấy từ các địa phương gửi về mới là định tính ban đầu. Khi xác định chất B agonist phải có 2 giai đoạn: định tính và định lượng. Giai đoạn định tính nhiều khi phát hiện những chất dương tính giả.

** Việc để chất cấm lọt vào thị trường Việt Nam thì trách nhiệm thuộc cơ quan nào, thưa ông?

** Đương nhiên đầu tiên là các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, chất cấm không phải đi bằng con đường chính ngạch, mà chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, buôn lậu qua biên giới.

** Theo tìm hiểu chúng tôi, chất cấm vẫn len lỏi vào các hộ chăn nuôi. Thậm chí các thương lái còn mang tới cho chủ trang trạng hay hộ chăn nuôi sử dụng với lý do để thịt lợn đẹp hơn so với sử dụng thuốc tăng trọng và được thu mua với giá cao hơn. Vậy cơ quan chức năng đã có giải pháp gì cho vấn đề này?

** Hành vi này chúng tôi cũng đã lường trước được, nên để kiểm tra chất cấm, chúng tôi lấy mẫu cả ở các nhà máy sản xuất thức ăn, ở cơ sở bán thuốc thú y và cả ở hộ chăn nuôi. Gần đây, hành vi đưa chất cấm đi theo con đường các thương lái. Chúng tôi sẽ có kế hoạch vận động người chăn nuôi cam kết không sử dụng chất cấm.

** Có phải chúng ta còn thiếu chế tài xử phạt vấn đề này?

** Chế tài của chúng ta ở trong khung pháp chế, chúng ta có thể xử nặng hành vi này. Cấp độ ban đầu là xử phạt hành chính, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, cuối cùng mới là xử lý hình sự.

** Ông có thể chia sẻ thông tin mới nhất về chuyến đi của mình tại các tỉnh miền Nam?

** Hiện các địa phương phía Nam đang vào cuộc rất tích cực. Đồng Nai đã thành lập các tổ công tác đi tuyên truyền xuống các cơ sở chăn nuôi; lấy mẫu ở các cơ sở chăn nuôi, giết mổ để phân tích; người chăn nuôi và cơ sở giết mổ cam kết nói không với chất cấm.

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể thông báo khi phát hiện việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: 043. 7332219./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên