Ôm nợ, ngồi tù vì bị lừa xuất khẩu lao động
Thực trạng này đang diễn ra ở 9 hộ gia đình tại vùng biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Gần một tháng nay, vợ chồng anh chị Dương Thành Trung- Phạm Thị Thức, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu như ngồi trên đống lửa bởi đứa con trai Dương Lực đang bị cảnh sát Malaysia bắt giữ sau khi bị lừa đi lao động ở nước ngoài.
Ngày nào Dương Lực cũng gọi điện thoại về cầu cứu gia đình sớm tìm cách đưa cậu trở về nhà. Thế nhưng muốn Lực được về, gia đình phải mất 15 triệu đồng, trong đó 12 triệu đồng tiền nộp phạt vì visa hết hạn, 3 triệu tiền máy bay, tàu xe.
Chị Phạm Thị Thức, mẹ của Dương Lực kể: Khi nhận được điện thoại con bị cảnh sát Malaysia bắt giữ, cả gia đình rất bất ngờ. Bởi trong hợp đồng thỏa thuận ký với ông Nguyễn Quốc Thái, địa chỉ số 57/3 đường Phạm Văn Chiêu, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 12/2009 thì Dương Lực đi xuất khẩu lao động tại Singapore chứ không phải ở Malaysia.
Cũng theo hợp đồng đã ký kết, công việc mà Lực sẽ làm khi xuất khẩu lao động là trong nhà hàng, khách sạn với mức lương 900 USD/tháng trong 3 tháng đầu, làm việc 8 tiếng/ngày.
Chị Thức cho biết thêm, chi phí cho chuyến đi hết 2.500 USD, tính ra tiền Việt Nam lúc đó là 50 triệu đồng. Ngoài ra còn có các khoản chi phí khác như: tiền làm hộ chiếu, tàu xe vào thành Phố Hồ Chí Minh, tiền học tiếng Anh… mất khoảng vài chục triệu.
Tổng chi phí cho Lực đi xuất khẩu lao động hết 81 triệu đồng. Trong đó, chị Thức đã vay của Ngân hàng 30 triệu đồng, còn lại vay nóng bên ngoài với lãi rất cao.
Chị Thức kể, do cuộc sống gia đình quá khó khăn nên khi nghe tin Nhà nước tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động, chị quyết định đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi mua hồ sơ đăng ký cho con đi lao động xuất khẩu ở Nhật. Thế nhưng, qua mai mối của một người quen với Nguyễn Đức Trung, ngụ cùng thôn, lại là người bà con, chị được cho biết đi lao động xuất khẩu ở Nhật rất khó khăn, nên đi Singapore vì ít tốn kém hơn, lại có một đường dây tổ chức đi rất nhanh, không cần qua Trung tâm Giới thiệu việc làm của tỉnh.
Do nghe lời ngon ngọt, gia đình chị quyết định cho con đi làm việc ở Singapore theo con đường của người môi giới. “Nào ngờ, việc làm chưa thấy, nay con bị bắt, lại phải tốn một khoản tiền lớn nữa con mới được thả về, quá xót xa”, chị Thức nói trong nước mắt.
Đồng cảnh ngộ với gia đình chị Phạm Thị Thức còn có 2 gia đình khác là ông Trần Văn Hội có con là Trần Cẩm và bà Võ Thị Diệp, có con là Đỗ Văn Dương cũng đang bị giam giữ tại Malaysia. Điều mong muốn nhất của các hộ gia đình này là làm sao để con của họ sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Ông Trần Văn Hội kể lại chuyện |
Ông Trần Văn Hội cho biết: "Con chúng tôi điện thoại về cho biết họ đòi nộp phạt 12 triệu đồng, chưa kể vé máy bay về Việt Nam, giờ cả 3 gia đình không biết sao xoay sở ra sao".
Được biết, ngoài 3 anh Dương Lực, Trần Cẩm và Đỗ Văn Dương, hiện bị giam giữ ở MaLaysia thì tại thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn còn có 6 người khác cũng đi xuất khẩu lao động theo thỏa thuận của Nguyễn Quốc Thái ở TP Hồ Chí Minh.
Trong đó, 2 thành viên đi xuất khẩu lao động là Võ Chức và Dương Minh Chí do nghi ngờ người môi giới nên đã bỏ trốn và tìm đến Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia nhờ can thiệp để được trở về Việt Nam. 4 trường hợp khác sau một thời gian khá lâu mới được trở về nhà nhưng cũng khá gian truân.
Anh Nguyễn Nam |
Anh Nguyễn Nam, một trong những trường hợp trở về trong vụ lừa đi xuất khẩu lao động trên cho biết: "Qua đó (Malaysia) họ nhốt chúng tôi vào một ngôi nhà khoảng 50 người ở. Họ bảo chờ việc nhưng cứ chờ mãi đến lúc ăn không đủ no. Cuối cùng ông Thái mới mua vé máy bay cho về Việt Nam". Những người đi xuất khẩu lao động ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn đang ôm một món nợ lớn từ 75 đến trên 80 triệu đồng/người nhưng lại không dám khai báo với chính quyền địa phương. Mong muốn lớn nhất của những gia đình này là mong các cơ quan chức năng vào cuộc, hỗ trợ những lao động hiện đang còn bị giam giữ tại Malaysia sớm được đoàn tụ cùng gia đình./.