Phát hiện răng voi hóa thạch ở Tuyên Quang
Răng voi có kết cấu thành từng phiến, gắn kết lại với nhau, khiến mặt nhai của răng giống như bàn nghiền, chà nát thức ăn thực vật để nuốt.
Trong đợt khảo sát điều tra khảo cổ học vào đầu tháng 5/2012 tại xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, các nhà khảo cổ Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã sưu tầm được một răng voi hóa thạch.
Mặt nhai của răng. |
Hóa thạch răng voi này được phát hiện tại khu vực sông Lô, đoạn chảy qua xã Hồng Lạc, nơi có di tích khảo cổ học nổi tiếng trên đất Tuyên Quang.
Ông Nguyễn Thành Long, 63 tuổi, một người dân sở tại cho biết, hóa thạch được tìm thấy ở độ sâu khoảng hơn 2m so với lòng sông Lô, trong một hố đào lòng sông để lấy cát sỏi. Lúc đầu, những người công nhân cho rằng nó chỉ là tảng đá tai mèo, nhưng do hình thù khá kỳ lạ nên nó đã được giữ lại. Trong quá trình bảo quản, hiện vật bị vỡ làm ba mảnh, nay đã được gắn chắp lại, nặng khoảng 2,5 kg. Bề ngoài thân răng được bao phủ lớp patin dầy, chứng tỏ mức độ hóa thạch rất lớn.
PGS.TS. Trình Năng Chung (Viện khảo cổ học Việt Nam), trưởng đoàn khảo sát cho biết đây là hóa thạch của voi Châu Á, tên khoa học là Elephas maximus, hay còn gọi là voi Ấn Độ, kích thước nhỏ hơn voi Châu Phi. Voi châu Á có chiều cao từ 2,5-4m và cân nặng từ 3.000-4.000kg./.