Phát triển năng lượng sạch ở Ninh Thuận
Việt Nam có những địa điểm giàu tiềm năng điện gió vào bậc nhất thế giới và Ninh Thuận là một trong số đó.
Trong qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, mà trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 cụm ngành này đóng góp 11% GDP của tỉnh và 8% lao động xã hội, giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia.
Trung tâm năng lượng sạch quốc gia
Việc Chính phủ quyết định xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất 10.000 MW tại Ninh Thuận đã thực sự thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây chính là những yếu tố thuận lợi giúp Ninh Thuận có thể phát huy được các tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của mình.
Ông Chris Manole, Giám đốc cấp cao của Tập đoàn Monitor (Mỹ) đánh giá: Ninh Thuận có đủ khả năng trở thành trung tâm năng lượng sạch cho cả Việt Nam. Với nguồn gió có tốc độ ổn định ở mức trung bình 7m/s là điều kiện đủ để xây nhiều nhà máy điện phong có công suất 3-3,5 MW và tổng sản lượng điện cung cấp hàng năm lên đến 1.000 MW. Bên cạnh đó Ninh Thuận còn có tiềm năng lớn về điện mặt trời do nắng gần như quanh năm.
Nhiều chuyên gia năng lượng sạch của thế giới cũng cho rằng, Việt Nam có những địa điểm giàu tiềm năng điện gió vào bậc nhất thế giới và Ninh Thuận là một trong số đó. Ở Đông Nam Á và các nước lân cận như Lào, Campuchia và Thái Lan, không đâu giàu tiềm năng điện gió bằng Việt Nam. Theo ước tính, tiềm năng điện gió của Việt Nam vào khoảng trên 500.000 MW, gấp 10 lần tổng năng lực sản xuất điện dự kiến đến năm 2030.
Ninh Thuận có tiềm năng gió dồi dào (ảnh KT) |
Ngoài nguồn lực trung ương đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với qui mô công suất 4.000 MW, nhà máy thứ nhất được khởi công vào năm 2014 và đi vào vận hành thương mại vào năm 2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phê duyệt của Quốc hội, tỉnh còn tập trung huy động các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là huy động tối đa nguồn vốn FDI và vốn các thành phần kinh tế khác.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam với tổng diện tích đất 540 ha và 310 ha diện tích mặt nước biển, sẽ khởi công vào năm 2014 và năm 2020 đưa vào vận hành. Nhà máy thứ hai dự kiến đặt tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải với diện tích đất khoảng 560 ha. |
Theo ông Nguyễn Chí Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh sẽ đẩy mạnh đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo trên cơ sở thu hút đầu tư các dự án tiềm năng, cụ thể: Thu hút đầu tư các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời với tổng công suất từ 1.500 – 2.000 MW, từng bước hình thành vùng năng lượng sạch của quốc gia. Phát triển loại hình thủy điện tích năng đầu tiên trên cả nước với qui mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020.
Theo dự kiến, trong thời gian 10 – 20 năm tới, khi các dự án nhà máy điện đi vào hoạt động (kể cả nhà máy điện nguyên tử công suất 4000 MW) thì Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu điện. Vì vậy các dự án phát triển điện gió càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Cần bước đột phá
Thách thức đối với tỉnh Ninh Thuận hiện nay là thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ đói nghèo cao do có nhiều nhóm dân tộc thiểu số và mức đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) còn khiêm tốn (dưới 0,5% tổng giá trị ODA cả nước).
Tuy nhiên, theo ông Chris Malone, Ninh Thuận lại có những điểm mạnh về hệ thống hạ tầng liên thông với các tỉnh khác hết sức thuận tiện và nguồn năng lượng gió tiềm tàng. Để xây dựng Quy hoạch tổng thể mang tính đột phá, tỉnh Ninh Thuận đã hội đủ ba yếu tố quan trọng, đó là: sự đổi mới, sự thống nhất giữa quy hoạch của tỉnh với quy hoạch tổng thể của cả nước, và sự mạnh dạn, táo bạo của lãnh đạo tỉnh. Với việc thực hiện Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, dự kiến Ninh Thuận sẽ vươn lên là một trong 20 tỉnh dẫn đầu cả nước vào năm 2020.
Ông Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận: “Ninh Thuận là tỉnh nghèo, đi sau các địa phương lân cận. Do vậy để phát triển nhanh thì Ninh Thuận phải có hướng đi, cách làm sáng tạo, khác biệt nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao so với các tỉnh bạn”.
Ninh Thuận có hướng đầu tư mạnh vào ngành du lịch (ảnh KT) |
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, khi làm việc với tư vấn nước ngoài, họ đã đặt ra 3 phương án tăng trưởng (bình thường, nhanh bền vững, nhảy vọt). Lãnh đạo tỉnh đã cùng các tư vấn tính toán khả năng hiện thực hóa và tỉnh quyết định chọn tăng trưởng nhanh và bền vững, với sự phát triển bốn nhóm ngành trụ cột là năng lượng sạch, du lịch, nông - lâm - thủy sản và sản xuất chế biến. Ninh Thuận phấn đấu đến 2020, GDP bình quân đầu người đạt 2.800 USD, tăng gấp 4,5 lần so với năm 2010, bằng 85% mức trung bình của cả nước; Huy động vốn đầu tư cho cả giai đoạn 2011-2020 khoảng 260.000 tỷ đồng. “Đây là một tham vọng rất lớn. Hiện tỉnh đang triển khai rất quyết liệt các vấn đề về hạ tầng, nguồn lực. Tỉnh cũng đã xin Chính phủ đầu tư hỗ trợ tuyến đường ven biển vì hướng phát triển của tỉnh là kinh tế biển” – ông Dũng nói.
Viễn cảnh của Ninh Thuận sẽ được biết đến là một tỉnh đi tiên phong theo định hướng phát triển xanh, sạch, ổn định; có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ dựa trên năng suất cao; có môi trường kinh doanh tốt và là một trong những môi trường có chất lượng sống cao.../.