Phòng chống mua bán người: Không thể “giao khoán” cho công an

Tình trạng mua bán người đã đến mức báo động, Chính phủ cũng đã có đề án về vấn đề này. Nhưng để nâng cao hiệu quả, nhất thiết cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.

Vừa bị lừa, vừa tự nguyện

Có thể nói, Việt Nam được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm không chỉ về mua bán người mà bọn tội phạm còn lợi dụng để đưa người di cư trái phép, môi giới lấy chồng nước ngoài, xuất khẩu lao động, nhận con nuôi…

Theo báo cáo của các địa phương, qua 6 năm thực hiện chương trình 130/CP, từ năm 2004 - 2010 tại Việt Nam đã xảy ra 1949 vụ mua bán người với 3.543 đối tượng, lừa bán 4.793 nạn nhân.

Phía Trung Quốc bàn giao lại nạn nhân bị buôn bán (ảnh minh họa)

Đại tá Vũ Chí Thực, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh- một trong những địa bàn thường xuyên phát hiện các vụ việc liên quan đến mua bán người cho biết, tình trạng này đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối trong xã hội. Chính vì vậy, Chính phủ đã có Đề án về phòng chống mua bán người.

Theo Đại tá Vũ Chí Thực, thành phần dễ bị tổn thương là chị em. Hầu hết họ đều bị lừa bán, nhưng cũng có trường hợp khi sang nước bạn là tự nguyện, rồi sau đó bị mua bán như hàng hóa.

“Một số người qua môi giới đã sang nước bạn làm “vợ” người ta. Tuy nhiên, có những trường hợp khi chúng tôi tiếp nhận về đã cho biết, họ đã phải phục vụ gần như cả gia đình, chứ không riêng gì người được gọi là “chồng”, thậm chí sau đó còn bị bán cho người khác như hàng hóa”, Đại tá Vũ Chí Thực cho biết.

Theo điều tra khảo sát của công an, với 51 tuyến, 182 địa bàn trọng điểm, hơn 50.000 đối tượng và 253 đường dây biểu hiện nghi vấn hoạt động, gần 300.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, 20.000 trẻ em cho người nước ngoài làm con nuôi, hàng trăm tụ điểm hoạt động mại dâm trá hình..., hiện nay, tiềm ẩn tội phạm mua bán người ở nước ta rất lớn.

Riêng với tuyến biên giới Quảng Ninh với Trung Quốc, Đại tá Vũ Chí Thực cho biết, tình trạng mua bán người qua biên giới rất phức tạp: “Do Trung Quốc mất cân bằng giới tính lớn, nên nhiều phụ nữ ở Việt Nam bị một số cá nhân, tổ chức lợi dùng lừa bán sang nước bạn. Số đông người bị lừa bán “rơi” vào các ổ mại dâm, một số thì làm “vợ” nhưng thực tế không phải vậy”.

Thủ đoạn không mới, nhưng khó chống

Đại tá Vũ Chí Thực cho rằng, để làm tốt công tác phòng chống mua bán người, nếu chỉ có lực lượng công an thì không mang lại kết quả cao, mà cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có cả giới truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng.

Đại tá Vũ Chí Thực, Giám đốc Công an Quảng Ninh cho biết, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã phối hợp rất tốt trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Riêng với công an Quảng Ninh, hàng tháng đều có giao ban với đơn vị nước bạn để giải quyết các vấn đề, trong đó có tình trạng mua bán trẻ em, phụ nữ, phối hợp giải cứu…

Về thủ đoạn của các đối tượng mua bán người, theo Đại tá Vũ Chí Thực, chủ yếu là lừa bán. Đối tượng dụ dỗ các cô gái nhà nghèo, học vấn thấp, hứa hẹn đi làm có thu nhập cao rồi đưa ra nước ngoài bán; quen biết qua mạng rồi lừa đưa qua biên giới chơi, môi giới kết hôn, cho con nuôi… rồi sang nước bạn để bán.

Thủ đoạn có vẻ không mới, nhưng để phòng chống, theo Đại tá Vũ Chí Thực là khó. Bởi lẽ, khâu phối hợp giải quyết ở cửa khẩu biên giới chỉ là khâu cuối cùng. Điều quan trọng là nhận thức của người dân.

“Nếu người dân không nhận thức đầy đủ, nâng cao cảnh giác thì không thể giải quyết được vấn đề gì. Vì có nhiều trường hợp, khi bị lừa bán rồi còn không biết mình bị lừa”, Đại tá Vũ Chí Thực cho biết.

Với Quảng Ninh, cuối tháng 9/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3087/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoan 2011-2015 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kế hoạch gồm 3 Đề án: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội; Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm mua bán người và Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Về tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân, Đại tá Vũ Chí Thực cho biết, nạn nhân khi được tiếp nhận thường chỉ được cấp giấy tờ và có thể có thêm một số tiền để về địa phương, chứ chưa được hỗ trợ nhiều về ổn định tâm lý, bệnh tật.

“Đáng ra chúng ta phải có trung tâm phục hồi sức khỏe cho chị em, hỗ trợ kiểm tra sức khỏe, bệnh tật, tâm lý và có thể chuẩn bị những đồ dùng cần thiết để họ về địa phương. Chúng tôi được hỗ trợ hơn nữa để cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ chuẩn bị cho nạn nhân hành trang để người ta tái hòa nhập cộng đồng”, Đại tá Vũ Chí Thực nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên