Quá tải bệnh nhân do trời lạnh

Riêng tại Viện Lão khoa Quốc gia, lượng người đến khám đã tăng 4 lần so với ngày thường.

Mấy ngày qua, thời tiết lạnh dưới 10 độ C đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sức khoẻ của người dân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Quá tải bệnh nhân

9h sáng 14/1, tại Viện Lão khoa Quốc gia, nhiều người cao tuổi đến khám bệnh.


Bà Đoàn Thị Thanh, 65 tuổi, An Dương, Hà Nội cho biết: “Bốn chị em chúng tôi cùng khu phố đến đây xếp hàng từ 8h nhưng giờ (10h30’ - PV) vẫn chưa đến lượt. Tôi đi xét nghiệm máu và kiểm tra sức khoẻ tổng thể để yên tâm ăn Tết, còn bà Nhàn (bà Thanh chỉ vào người bạn đi cùng) bị viêm phế quản. Tình hình này chắc chúng tôi phải chờ đến chiều mới có thể khám và lấy kết quả được vì người đến khám quá đông”.

Bà Đoàn Thị Thanh (mũ tím)


PGS, TS - Bác sĩ Đỗ Thị Khánh Hỷ, Phó Viện trưởng Viện Lão khoa Quốc gia cho biết, trong mấy ngày gần đây, bệnh nhân đến khám đông dẫn đến tình trạng quá tải, giường bệnh luôn chật kín, nhu cầu điều trị cao, nhiều người phải chờ đợi.

Còn tại Bệnh viện Saint Paul, chúng tôi gặp bà Hồ Thị Sang, 62 tuổi, ở Trúc Bạch, Hà Nội. Bà Sang bị bệnh cao huyết áp từ nhiều năm nay. Thời tiết thay đổi, áp huyết tăng, có hôm lên đến 190 mmHg, bà phải  đến bệnh viện khám và lấy thuốc điều trị. 

Theo lời bà Sang, chồng bà cũng bị cao huyết áp và đã bị tai biến hiện đang nằm liệt ở nhà hơn 1 tháng nay. Nguyên nhân là do ông không uống thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của thầy thuốc và chưa quan tâm, để ý khi thời tiết thay đổi đột ngột. Rút kinh nghiệm từ trường hợp của ông chồng, khi thấy trong người khó chịu, bà phải đi kiểm tra ngay để có phác đồ điều trị cho phù hợp.

Theo thống kê của phòng Kế hoạch Tổng hợp (Viện Lão khoa Quốc gia), mỗi ngày có khoảng 260 bệnh nhân đến khám, tăng gấp 4 lần so với trước khi có rét đậm, rét hại (chỉ có khoảng 50 người/ngày) và hiện có 175 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Thường gặp nhất là các bệnh liên quan đến phổi và tim mạch (viêm phế quản mạn tính, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp), hen, dị ứng, thoái khớp...

TS Đỗ Thị Khánh Hỷ cho biết: “Nguyên nhân chính là các cụ già vẫn giữ thói quen dậy sớm vận động ngoài trời, trong khi thời tiết thay đổi đột ngột, lạnh, nhiệt độ xuống thấp, khiến cơ thể người già vốn đã suy yếu không kịp thích ứng.. nên những căn bệnh nguy hiểm có cơ hội phát tác”.

Không tự ý dùng thuốc

Tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Sain Paul Hà Nội bệnh nhân đến khám đông hơn, phần lớn là người trên 40 tuổi. Các các bác sĩ liên tục cấp cứu các bệnh nhân ở tuyến dưới chuyển lên.

Người nhà của bệnh nhân Nguyễn Thị Gia, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) đang bị cấp cứu do đau bụng, kể: “Chị Gia bị đau bụng, người toát mồ hôi từ tối 12/1, gia đình tưởng chị bị trúng gió nên đã dùng dầu gió để cạo. Đến nửa đêm, chị Gia lại bị đau nặng hơn, người nhà đã đưa đến Trung tâm Y tế huyện Mê Linh nằm 1 tối và sáng hôm sau thì chuyển chị đến Bệnh viện Saint Paul. Hiện chị Gia đang nằm trong phòng cấp cứu để các bác sĩ theo dõi”.

Người nhà mang đồ dùng cho bệnh nhân

Còn trường hợp khác là con của anh Tuấn ở Mỹ Đình, Hà Nội. Cháu mới bị ho, gia đình nghĩ cháu chỉ bị ho gió, ho khan bình thường nên cho uống siro ho. Đến ngày hôm sau, cháu họ nặng hơn, gia đình mới đưa đến viện khám thì được bác sĩ thông báo là bị viêm phổi, phải điều trị kháng sinh liều cao trong 5 -7 ngày.

Bác sĩ Thân Đức Cán


Bác sĩ Thân Đức Cán, Phòng khám đa khoa thuộc Công ty cổ phần ASEAN, Ngọc Thuỵ, Long Biên (Hà Nội) khuyến cáo: Trong những ngày thời tiết thay đổi như thế này, người già và trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh. Nếu bị nhiễm bệnh rồi, người nhà và bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc để điều trị vì dễ nguy hiểm đến tính mạng. 
Ông Cán cũng kể ra một số trường hợp đến khám ở phòng khám của mình, do tự ý sử dụng thuốc ở nhà nên khi đến khám bệnh đã nặng hơn, dẫn đến việc điều trị cũng mất thời gian và khá tốn kém. Ở đây, hàng ngày cũng có 40- 50 bệnh nhân đến khám chủ yếu là các bệnh: viêm đường hô hấp, khớp, tiêu chảy, áp huyết cao, tim mạch… Ông Cán cũng khuyên, tốt nhất mọi người nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, để tránh những đáng tiếc xảy ra.

Đề phòng tai biến ở người già và viêm hô hấp ở trẻ nhỏ

PGS, TS - Bác sĩ Đỗ Thị Khánh Hỷ, Phó Viện trưởng Viện Lão khoa Quốc gia

Bác sĩ Khánh Hỷ cũng khuyến cáo: Vào lúc sáng sớm, số đo huyết áp của người già thường thay đổi, đặc biệt là khi nhiệt độ xuống thấp. Với thời tiết lạnh như ở miền Bắc hiện nay, những gia đình có người già cần đặc biệt đề phòng bệnh tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa mặt, liệt nửa người, thậm chí tử vong.

Bên cạnh đó, những người già đã có tiền sử bệnh cao huyết áp cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Khi đi tập thể dục người cao tuổi cần mặc ấm, đội mũ đầy đủ để tránh gió. Khi vận động thấy nóng người có thể cởi bớt trang phục chứ không nên mặc phong phanh từ đầu với suy nghĩ rằng hoạt động sẽ làm người nóng dần lên, bởi thời điểm bước từ nhà (khu vực kín gió) ra ngoài rất dễ bị "trúng gió". Và khi mở cửa nên để ý, đừng bước ra ngoài ngay dễ bị gió lùa.

Thời tiết sẽ còn diễn biến phức tạp từ nay đến hết tháng 1/2011. Vì vậy, để phòng tránh tốt bệnh bệnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, nếu không có việc gì cần thiết, hạn chế đi ra ngoài.

Một trong những điều quan trọng nữa là giữ ấm cho cơ thể, nhất là ở đầu, cổ, chân. Ngoài ra còn phải uống đầy đủ nước (đảm bảo 1,5 lít/ngày) và ăn thêm hoa quả, uống nước sinh tố; trong một số truờng hợp đặc biệt thì phải uống thêm vitamin như: vitamin A, C và E, chế độ ăn uống phải đảm bảo, nếu có bệnh sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên