Quảng Ngãi: Dân bức xúc vì tình trạng khai thác ti-tan

Các doanh nghiệp không tuân thủ các qui định, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực, tác động xấu đến môi trường.  

Nhằm tận thu quặng ti-tan tại Khu kinh tế Dung Quất, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép cho một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản này. Trước đây, việc khai thác tận thu quặng ti-tan ở Khu Kinh tế Dung Quất do Công ty TNHH Viễn Hoàng và Công ty Cổ phần Khoáng sản Mai Linh - Quảng Ngãi thực hiện.

Đến năm 2009, chỉ còn Công ty TNHH Viễn Hoàng khai thác, chủ yếu ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn. Sau khi khai thác ở thôn Bình Đông, Công ty TNHH Viễn Hoàng chuyển sang tận thu tiếp ở thôn Bàu Chuốc, xã Bình Chánh.

Khai thác ti-tan không tuân thủ qui định sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường (Ảnh minh họa)

Theo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi, doanh nghiệp này được phép thu hồi quặng ti-tan với diện tích 20 ha. Tuy nhiên, sau thời gian khai thác đã nảy sinh mâu thuẫn giữa người dân trong khu vực với doanh nghiệp nên việc khai thác ti-tan ở đây phải tạm dừng.

Người dân ở thôn Bàu Chuốc, xã Bình Chánh phản ánh: Kể từ khi Công ty TNHH Viễn Hòang tiến hành khai thác titan, các giếng nước ở đây bị ô nhiễm. Trong quá trình khác thác ti-tan doanh nghiệp không hoàn thổ trả lại mặt bằng, mà để lại những hố sâu như những “cái bẫy” rất nguy hiểm. Cách đây 4 năm đã có một học sinh lớp 5 rơi xuống một trong những cái hố này và bị chết đuối.

Bà Đoàn Thị Phúc, một người dân ở đây cho biết: 20 năm qua, chưa có năm nào giếng nước bị khô cạn. Nhưng kể từ khi Công ty Viễn Hoàng bắt đầu khai thác ti-tan, tiến hành đào quá sâu dưới lòng đất nên mạch nước ngầm bị đứt dẫn đến các giếng nước của dân ở đây thường bị thiếu nước, nhất là vào mùa nắng nóng.

Do khai thác ti-tan, trong những ngày nắng nóng cát bay mù mịt, ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng lân cận. Nhiều lần bà con đã làm đơn kiến nghị với các cấp chính quyền. UBND huyện Bình Sơn, xã Bình Thạnh và Công ty TNHH Viễn Hoàng nhiều lần tổ chức họp dân và hứa thực hiện những chính sách bồi thường thiệt hại cho dân nhưng mãi vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Đến nay, sự việc này vẫn chưa giải quyết rốt ráo.

Bà Trần Thị Xuân Thảo, một người dân ở thôn Bàu Chuốc, xã Bình Thạnh nói: “Chỗ này chưa họp dân, mà nếu có họp dân cũng dứt khoát không cho khai thác”.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tạm dừng việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, kể cả đối với đất đồi làm vật liệu san lấp. Đây có thể xem là việc làm cần thiết để rà soát lại công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Theo ông Lê Mỹ Liên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, về các giải pháp ngăn chặn tình trạng trên, Sở chủ yếu làm công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, trách nhiệm chính là các địa phương.

Việc UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép doanh nghiệp khai thác tận thu quặng ti-tan ở Khu Kinh tế Dung Quất là chủ trương đúng. Tuy nhiên, doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận mà quên trách nhiệm bảo vệ môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân là việc cần chấn chỉnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên