Quốc phục với ngoại giao văn hóa

Các nhà ngoại giao cho rằng không nên quá câu nệ một vài yếu tố mà rồi lại bỏ ngỏ vấn đề

Việc Bộ Văn hoá – Thông tin và Du lịch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về lựa chọn Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tửu là thể hiện sự dân chủ. Nếu như việc bình chọn Quốc hoa được đông đảo dư luận đồng tình ủng hộ thì việc lấy ý kiến rộng rãi về quốc phục và quốc tửu lại đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Tuy nhiên, đây là vấn đề cần làm, bởi những danh hiệu này không chỉ thể hiện niềm tự hào của quốc gia mà còn là đại diện cho sự tinh túy của văn hóa dân tộc.

Trong gần 30 năm làm công tác trên lĩnh vực hợp tác quốc tế, ông Nguyễn Hải Anh, nguyên Phó Cục Trưởng Cục hợp tác Quốc tế Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tham gia dẫn hàng chục đoàn đại biểu Việt Nam đi dự các hoạt động giao lưu quốc tế ở nước ngoài.

Trong tất cả các hoạt động đó, kể cả các hoạt động cấp cao, giao lưu văn hóa hay giao lưu thanh niên cuối cùng bao giờ cũng có một buổi giao lưu chung của tất cả các đại biểu thế giới.

Ông Nguyễn Hải Anh kể lại: Trong giấy mời người ta đều ghi đề nghị đại biểu mặc trang phục của dân tộc mình, hãy mang đến những sản phẩm đặc sắc của dân tộc mình và hãy trình bày những điệu múa, lời ca tiếng hát đặc sắc của dân tộc mình.

Ông Hải nhớ lại: “Những năm 90 khi Việt Nam mới gia nhập ASEAN, bản thân các đoàn đại biểu Việt Nam rất lúng túng và bối rối mỗi khi nhận được lời mời đó bởi vì các phụ nữ thì đơn giản vì các chị có áo dài rất đẹp, còn đàn ông Việt Nam chỉ có bộ complet”.

Từng là Đại sứ Việt Nam bên cạnh UNESO, ông Phạm Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam hiểu hơn ai hết về khó khăn của các đại sứ Việt Nam, các nhà ngoại giao Việt Nam khi chúng ta chưa có quốc phục: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì chúng tôi là những nhà ngoại giao, khi người ta đề nghị mặc Quốc phục, nếu không có Quốc phục thì mặc comple, chúng tôi đành phải lựa chọn là mặc comple. Rất nhiều quốc gia có Quốc phục và họ mặc và thể hiện bản sắc riêng của mình. Đặc biệt ở một số nước nếu chúng ta không có quốc phục thì phải thuê quốc phục của họ. Một số nước đã phải thuê 700-800 USD/bộ Quốc phục của họ chỉ để trình quốc thư thôi chỉ vì mình không có quốc phục”.

Việc lựa chọn mặc comple hay phải bỏ tiền ra thuê Quốc phục của nước bạn thực chất chỉ là những khó khăn rất nhỏ so với yêu cầu quảng bá hình ảnh quốc gia. Mà quảng bá hình ảnh phải có logo, khẩu hiệu, hình ảnh, thông điệp, phải có hình thức thể hiện mà quốc phục là một trong những hình thức để thể hiện điều đó.

Ông Phạm Sanh Châu nói: “Tôi thấy rằng Quốc phục là một nhu cầu ngày càng cấp bách và cần thiết. Khi chúng ta hội nhập trong thế giới ngày nay, mọi thứ đều trở nên nhỏ bé và đồng nhất thì để giữ được bản sắc chúng ta cầncó một nét riêng. Mà nét riêng đó không chỉ có truyền thống sâu thẳm của chúng ta là văn hóa, là sự ứng xử, cách giao tiếp, lòng vị tha, lòng ái quốc… thì cái đầu tiên đập vào mắt là hình thức thể hiện bên ngoài mục đích của họ là để quảng bá quốc gia”.

Ngành Ngoại giao văn hóa đã có nhiều giải pháp tình thế. Ví dụ như các Hội nghị cấp cao tại Việt Nam thời gian qua như APEC, ASEAN, các quan chức cấp cao các nước khi đến Việt Nam đã sử dụng một số trang phục gấm của Việt Nam cho các buổi giao lưu, chụp hình hay một số đoàn ra nước ngoài đã có sáng kiến mặc áo the, khăn xếp cho đàn ông.

Việc này cho thấy nhu cầu cần có Quốc phục càng trở nên cấp bách. Ông Nguyễn Hải Anh nói: “Về sau chúng tôi mang áo the, khăn xếp cho đàn ông. Bước đầu cũng nhận được sự ủng hộ của bạn bè thế giới. Nhưng đó chưa phải là Quốc phục vì đó chỉ là những sáng kiến của một vài tổ chức, một vài bộ, ngành để chúng ta bước đầu giao lưu. Chúng ta cần sự ủng hộ của toàn dân, của cả nước, không phải chỉ ở trong nước, ở nước ngoài để chúng ta có thể hiên ngang ngẩng cao đầu giao lưu với các bạn bè thế giới”. 

Thực ra việc lựa chọn Quốc phục đã được khởi động cách đây cả chục năm. Khi đó, cả một cuộc thi thiết kế Quốc phục đã được tổ chức. Nhưng rồi, khi đưa ra lấy ý kiến của người dân cũng như các cấp lãnh đạo thì không tìm được sự đồng thuận cao. Việc tìm ra một bộ trang phục đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam quả là việc làm khó khăn. Trong khi các nhà quản lý, các nhà văn hóa còn đang tranh cãi xem kiểu dáng cho Quốc phục thế nào, dài ngắn ra sao, hoa văn họa tiết, chất liệu thế nào… thì các nhà ngoại giao cho rằng không nên quá câu nệ một vài yếu tố mà rồi lại bỏ ngỏ vấn đề bởi Quốc phục thực chất chỉ là một phương tiện quảng bá hình ảnh quốc gia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên