Rét đậm, nhiều bệnh nhân nhập viện vì tai biến
Thời tiết lạnh quá hay nóng quá đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt là trời lạnh.
Một tuần trở lại đây, lượng bệnh nhân vào các khoa thần kinh, tim mạch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có xu hướng tăng lên. Lý do vì trời lạnh đột ngột, dễ gây co mạch khiến nhiều người bị tăng huyết áp đột ngột.
Đặc biệt, số bệnh nhân bị tai biến mạch máu não tăng thêm gần gấp đôi, trong đó chủ yếu là người già, trên 60 tuổi.
Giáo sư Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thời tiết lạnh quá hay nóng quá đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt là trời lạnh. Vì thế, theo thông lệ cứ đến khi thời tiết rét đậm, vào những đợt gió mùa Đông Bắc thì tỷ lệ bệnh nhân tim mạch vào viện lại tăng.
Trời rét đậm, người cao tuổi là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất. |
Thực tế, khi trời rét, các mạch máu co lại đã là một nguyên nhân khiến huyết áp tăng, các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó kèm thêm các yếu tố thuận lợi khác như: chui ra khỏi chăn ấm, gặp cơn gió lạnh, đi tiểu..., tất cả đều làm cơ thể bị mất thêm nhiệt. Chính sự thay đổi đột ngột đó của cơ thể khiến các mạch máu càng co lại, huyết áp càng tăng. Khi đó với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như: vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn.
"Cùng với yếu tố thời tiết thì căng thẳng thần kinh, lo âu... cũng có thể khiến huyết áp của người bệnh tăng đột ngột. Đặc biệt người già là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất", giáo sư Việt nói.
Đối với người bị tăng huyết áp, nguy cơ bị tai biến mạch máu não tăng gấp bốn lần, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng gấp hai lần nếu so với người không bị tăng huyết áp.
Vì thế, theo các chuyên gia, trong những ngày thời tiết rét đậm như hiện nay, người cao tuổi cần lưu ý ăn uống đủ chất, bớt rượu bia, ăn nhạt... để tăng sức đề kháng, đặc biệt uống đủ nước để quá trình chuyển hóa, trao đổi chất không bị ngưng trệ. Người già thường bị giảm cảm giác khát nên nhiều khi cơ thể đã thiếu nước nghiêm trọng mà vẫn không có nhu cầu uống.
Bên cạnh đó cần chú ý, mặc ấm, đặc biệt giữ ấm đầu, cổ và bàn chân. Hạn chế đi ra ngoài và thay đổi tư thế đột ngột, tránh gió lùa. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, đồng thời mặc đủ quần áo ấm. Không nên dậy vào lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng. Đồng thời vẫn giữ thói quen tập thể dục đều đặn, nhưng không nên ra ngoài mà vận động nhẹ nhàng trong nhà. Chú ý đo huyết áp thường xuyên, ít nhất 2 lần mỗi ngày, mỗi lần cách nhau 10-15 phút, đo khi nghỉ ngơi.
Những người cao huyết áp cần uống thuốc đều đặn, khi thấy có biểu hiện khác lạ như nói khó, mất vận động, mất thị lực thoáng qua... thì gọi bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu đột quỵ. Điều quan trọng hàng đầu là cần điều trị thường xuyên theo chỉ định.
Giáo sư Việt cũng khuyến cáo, đại đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu nào cảnh báo trước. Quan điểm trước đây cho rằng cứ tăng huyết áp là phải có các dấu hiệu như: đau đầu, mặt bừng đỏ, béo… là hết sức sai lầm. Nhiều khi, sự xuất hiện triệu chứng đau đầu đã có thể là sự kết thúc của người bệnh tăng huyết áp do đã bị tai biến mạch máu não. Vì thế, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là những người có nguy cơ cao, là hết sức cần thiết và quan trọng./.