Sầm Sơn mạnh tay với nạn “chặt chém”
(VOV) - Lãnh đạo thị xã này cho rằng “phải xử lý thật mạnh để thế hệ sau hưởng lợi từ du lịch”.
Vốn được xem là bãi biển đẹp của phía Bắc, tuy nhiên Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn chưa xứng với những gì du khách kỳ vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là kiểu “chặt chém” khách du lịch khi sử dụng các dịch vụ tại Sầm Sơn.
Để giải quyết những vấn đề còn gây bức xúc cho khách du lịch, đầu năm 2013, UBND thị xẫ Sầm Sơn đã ra 10 quyết định, kèm theo 10 phương án thực hiện, nhằm “cải tổ” lề lối kinh doanh, dịch vụ tại thị xã du lịch này.
Bảng niêm yết giá được trưng bày công khai, nhưng dường như việc kiểm soát giá vẫn là vấn đề nóng được du khách phán ánh nhiều nhất |
Nhằm ngăn chặn và giải quyết nạn “chặt chém”, thị xã Sầm Sơn đã có quyết định ban hành phương án sắp xếp dịch vụ thương mại trên địa bàn thị xã ngày 23/4/2013, với nội dung: “Nghiêm cấm các hành vi vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật trong thương mai; đặc biệt là các hành vi ép khách, ép giá; “lơ” ép khách, cò mồi, dẫn khách mua hàng giả, hàng kém chất lượng, hành giá cao; “lơ” dẫn, ép khách vào khách sạn, nhà nghỉ để lấy hoa hồng, nghiêm cấm việc gây sự, chửi bới, đe dọa, hành hung khách. Nghiêm cấm kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các mặt hàng không được phép lưu thông trên thị trường”.
Người dân tự ý tạo ra các loại hình để kiếm tiền bất chấp những qui định của thị xã |
Về vấn đề trên, ông Hoàng Văn Truyền - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn khẳng định, việc chèn ép khách, ép giá, cò mồi… của một số dịch vụ tại Sầm Sơn trong những năm qua là có thật. Nhưng đó không phải là phần lớn, chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm xấu đi hình ảnh du lịch Sầm Sơn.
Đối với loại hình kinh doanh xe xích lô trẻ em, thị xã cấm tuyệt đối các loại phương tiện này tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường của thị xã, nếu hoạt động thì bị thu giữ. Đối với xe đạp đôi, đã được quy hoạch cụ thể điểm bày xe và có đăng ký rõ ràng. Xe điện đã thực hiện việc lắp đồng hồ tính km để tránh việc bắt ép khách như trước đây.
Hàng rong vẫn bày bán tràn lan |
Về vấn đề giá cả, đây được cho là nguyên nhân chính dẫn tới dư luận gần đây phản ánh không tốt về Sầm Sơn. Tuy việc niêm yết giá các loại dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa hay hải sản, thế nhưng du khách vẫn bị ép giá, bị lừa hoặc bắt ép phải chấp nhận.
Theo ông Truyền thì nếu những năm trước chỉ có 3 đội kiểm tra liên ngành, nay đã thành lập 6 đội và tổ chức niêm yết giá công khai, rõ ràng ở tất cả các điểm dịch vụ, kinh doanh từ các nhà nghỉ đến khách sạn, các kiot, quán café hay quán phở.
Các đội kiểm tra liên ngành sẽ thường xuyên và trực tiếp kiểm tra, hơn thế nữa, việc công khai số điện thoại của cả lãnh đạo thị xã và các đội kiểm tra liên ngành để sẵn sàng kiểm tra, bảo vệ du khách khi có phản ánh.
Dù đã có phương án và triển khai việc bến đậu đỗ xe điện nhưng vẫn còn tình trạng đậu đỗ không đúng qui định |
Cũng theo ông Truyền, thì từ đầu mùa du lịch (từ 30/4) đến nay đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Điển hình như lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 1 điểm trông giữ xe thu tiền sai quy định với mức phạt 20 triệu đồng; phạt 3 ki-ốt sai quy định về niêm yết giá, mỗi ki-ốt 5 triệu đồng.
Năm 2012, liên quan đến việc chèn ép giá đối với khách hàng, cơ quan chức năng đã tiền hành khởi tố hình sự 4 vụ, trong năm 2013 sẽ tăng cường hơn nữa và sẵn sàng khởi tố hình sự nếu có vi phạm nặng.
Nhiều du khách vẫn tỏ ra e dè với các dịch vụ ở Sầm Sơn |
Ông Hoàng Văn Truyền cho biết: “Chúng tôi sẽ xử phạt mạnh, lấy xử lý làm giáo dục để người làm du lịch ở đây thay đổi. Việc làm này nhằm lấy lại hình ảnh du lịch Sầm Sơn, làm lợi cho thế hệ con cháu họ sau này. Tôi không đồng ý với việc một số cá nhân có hành vi làm hoen ố hình ảnh du lịch Sầm Sơn”.
Được biết, hiện có gần 10.000 người dân Sầm Sơn tham gia kinh doanh, hoạt động du lịch./.