Sạt lở ven sông, dân Quảng Bình lo mất đất canh tác

Dọc bờ sông Kiến Giang, Đại Giang chảy qua địa bàn huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đang bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục ha đất canh tác có nguy cơ bị hà bá nuốt chửng.

Nằm bên dòng chảy của sông Kiến Giang và Đại Giang, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn sạt lở bờ sông.

Mỗi năm, nơi đây lại bị nước sông lấn thêm vài mét, có nơi lấn đến vườn nhà của nhiều hộ dân.

Sau trận lũ vừa qua, nước từ thượng nguồn đổ về với cường độ mạnh càng làm gia tăng mức độ sạt lở. Cả xã Hiền Ninh có 8 thôn, thì có đến 5 thôn bị sạt lở. Cụ thể, thôn Đồng Tư có 15 ha đất sản xuất nông nghiệp, mỗi năm sạt lở mất 3 - 4 ha. Thôn Cổ Hiền có 70 ha đất sản xuất nông nghiệp thì mỗi năm sạt lở mất 6 ha. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Bà Lê Thị Lợi (thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh) than thở: “Trước bờ sông ở ngoài kia. Nhưng sạt lở làm nước cứ lần vào gần nhà. Không biết dòng nước còn lấn sâu đến đâu nữa”.

Trên địa bàn huyện Quảng Ninh, dọc theo hai bờ sông có nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, như: từ xã Hiền Ninh đến xã Tân Ninh, xã Duy Ninh đến Hàm Ninh và từ xã Võ Ninh đến Lương Ninh bị sạt lở trên 10km.

Sạt lở hai bên bờ sông ở huyện Quảng Ninh đã và đang thu hẹp dần diện tích đất ở và đất sản xuất của người dân. Riêng trong trận lũ vừa qua, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có hơn 1km bờ sông bị sạt lở sâu từ 3m- 4m.

Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền và nhân dân xã Hiền Ninh đã huy động nhân dân trồng tre, dứa, bần ven sông nhằm hạn chế tác động của dòng nước gây sạt lở. Tuy nhiên, hiệu quả không cao do dòng chảy của sông quá mạnh.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh cũng đã tiến hành xây dựng các công trình kè, đập, nhưng do điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, mức độ sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, nên hiện trên địa bàn vẫn còn nhiều đoạn chưa được đầu tư xây dựng kè chống xói lở./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên