Áp giá sàn cho cước ĐTDĐ

Sẽ khắc phục tình trạng nhà mạng lớn thôn tính thị trường

Việc áp giá sàn cho cước ĐTDĐ cũng sẽ giúp cho cơ quan Nhà nước quản lý người đăng ký số thuê bao.  

Hiện nay, giá bình quân cước điện thoại di động (ĐTDĐ) của Việt Nam đang ở vào khoảng 1.100 đồng/phút. Mức giá này không cao so với các nước trong khu vực, nhưng hiện tại, vẫn chưa phải là mức cước rẻ nhất có thể, đặc biệt là khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Thông tin-Truyền thông giao cho Cục Viễn thông nghiên cứu đề án giá sàn cho cước ĐTDĐ để áp dụng từ nay đến cuối năm. Đề án này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp viễn thông và cả người dân.

Người dân quan tâm đến lợi ích sau khi áp giá sàn điện thoại di động

Sẽ tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh cho các nhà mạng

Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định, Bộ Thông tin-Truyền thông nghiên cứu đề án giá sàn cho cước ĐTDĐ là rất cần thiết nhằm tạo sân chơi cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp viễn thông. Vấn đề này sẽ khắc phục tình trạng thâu tóm thị trường của một vài nhà mạng lớn, còn những nhà mạng có quy mô nhỏ hoặc mới thành lập sẽ khó phát triển.

Chính vì vậy, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông khẳng định: “Cạnh tranh toàn diện thì phải quản lý bằng giá sàn. Sợ nhất là những doanh nghiệp hạ giá thấp để thôn tính thị trường, nhưng sau khi đã thôn tính thì lại độc quyền, nâng giá lên thật cao…”.

Với tư cách là nhà quản lý, điều hành của một công ty công nghệ viễn thông, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Tổng Giám đốc thường trực FPT Telecom cho rằng: Mức giá cho ĐTDĐ và cố định đang được Bộ Thông tin-Truyền thông áp dụng tương đối tốt so với khu vực. Tuy nhiên, những gói cước và chương trình khuyến mãi được các nhà mạng triển khai đã tạo ra sự mất cân bằng. Những đợt khuyến mãi chồng khuyến mãi đã làm bùng nổ sự phát triển số lượng thuê bao rất nhanh. Với những chương trình khuyến mãi ồ ạt nên nhiều khi giá bán bằng với giá thành. Điều này chỉ có lợi cho những nhà mạng có số lượng thuê bao lớn, còn những nhà mạng có số lượng thuê bao khiêm tốn thì dần sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Ông Nguyễn Văn Khoa

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhiều nhà mạng tính toán sau những đợt khuyến mãi “khủng”, doanh thu và lợi nhuận giảm so với những năm trước. Việc đưa ra giá cước như thế nào cho phù hợp thì các doanh nghiệp viễn thông cần có sự thống nhất.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Phạm Bá Hùng, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Hà Giang cho rằng: Trong lĩnh vực viễn thông, từ trước đến nay, mức giá điện thoại ở mỗi nhà mạng khác nhau, có những nhà mạng muốn thu hút khách về phía mình đã tung ra các gói cước, chương trình khuyến mãi ưu đãi, ồ ạt. Phương thức này chỉ có lợi cho những nhà mạng ra đời lâu năm, có hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc còn những nhà mạng ra sau thì không đủ sức cạnh tranh.

Quy định cụ thể về mức giá sàn sẽ cải thiện được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, nếu doanh nghiệp nào muốn giảm giá cước thì sẽ phải nghiên cứu quy định mức giá sàn để có phương thức áp dụng phù hợp với sân chơi chung, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, cùng có lợi.

Áp mức giá sàn kèm theo quản lý chặt chương trình khuyến mãi

Việc Bộ Thông tin-Truyền thông có kế hoạch cho mức giá sàn ĐTDĐ cũng đang đặt ra lo ngại sẽ làm mất cơ hội được giảm cước của người tiêu dùng.

Thực tế, trong lĩnh vực viễn thông, khi hạ tầng đã được khấu hao đủ thì giá ĐTDĐ sẽ luôn ở xu hướng càng về sau càng rẻ. Một khi mức giá sàn được áp dụng, trong trường hợp doanh nghiệp có khả năng giảm giá hơn nữa, nhưng vì vướng giá sàn mà không giảm tiếp thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi.

Mặt khác, khi đã có mức giá sàn, doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng dùng những chiêu thức khuyến mãi “độc” và hấp dẫn, tràn lan để để thu hút khách hàng, tăng số lượng thuê bao. Điều này sẽ khó khăn cho cơ quan Nhà nước quản lý số ĐTDĐ.

 Ông Nguyễn Xuân Quang

Đóng góp vào những vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nêu ý kiến: Việc Bộ Thông tin-Truyền thông đưa ra mức giá sàn áp dụng cho ĐTDĐ là rất cần thiết vì có như vậy các doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh một cách lành mạnh. Việc áp dụng giá sàn cũng sẽ vẫn có lợi cho người sử dụng khi có thể lựa chọn cho mình nhà mạng phù hợp với chất lượng tốt. Khi quy định về mức giá sàn được đưa ra, người dân vẫn có lợi thông qua các đợt khuyến mãi của nhà mạng.

Tuy nhiên, ông Phạm Bá Hùng, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Hà Giang cho rằng, các đợt khuyến mãi cũng cần được Bộ Thông tin-Truyền thông quy định rõ. Ví dụ như một tháng thì doanh nghiệp chỉ được khuyến mãi bao nhiêu lần với số lượng là bao nhiêu %. Còn nếu thả lỏng khuyến mãi ồ ạt thì sẽ xảy ra hiện tượng, người dân đăng ký mua sim nhưng khi dùng hết số tiền khuyến mãi thì lại vứt sim đi. Điều này sẽ gây lãng phí về tài nguyên kho số điện thoại quốc gia và cũng sẽ gây khó khăn cho việc quản lý người sử dụng sim số và an ninh trật tự xã hội, an toàn thông tin.

Vì vậy, Bộ Thông tin-Truyền thông cần có sự khảo sát thị trường và lấy ý kiến của các doanh nghiệp để áp giá sàn cho cước ĐTDĐ như thế nào cho phù hợp để doanh nghiệp viễn thông vẫn thu được lợi nhuận, người tiêu dùng vẫn có lợi và cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng kiểm soát, quản lý số thuê bao di động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên