Suýt để con chết vì tay thầy lang

Các y bác sỹ phát hiện trên khắp cơ thể bệnh nhi có hơn 30 vết thương do kim may quần áo đâm phải.

Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ vừa tiếp nhận 1 trường hợp trẻ sơ sinh mới 25 ngày tuổi ở tỉnh Hậu Giang nhập viện trong tình trạng máu chảy liên tục, có dấu hiệu đuối sức do mất quá nhiều máu. Trước đó, bé sơ sinh này đã được gia đình đưa đi trị bệnh ở nhà một thầy lang được gọi là cô Bảy ở Cần Thơ. Hiện tại, cháu đã qua khỏi cơn nguy kịch.

Ngồi cạnh con trẻ sơ sinh có cái tên rất đẹp Nguyễn Hoàng Huy còn thở rất yếu đang được điều trị ở bệnh viện Nhi đồng Thành phố Cần Thơ, chị Tô Thị Nguyệt, 25 tuổi, ngụ thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vẫn còn khóc ròng. Gia đình ở vùng nông thôn và sau nhiều năm lập gia đình mới có đứa con đầu lòng nên khi cháu Huy mới sinh hay khóc quấy, bỏ sữa, vợ chồng chị rất sốt ruột, lo lắng. Nghe theo lời mách bảo của hàng xóm, chị Nguyệt đưa con mình tới Bà Bảy, thầy lang vườn ở Thành phố Cần Thơ điều trị.

Theo lời kể của chị Nguyệt, Bà Bảy đè bé Huy ra, một tay cầm cây kim, một tay cầm bông gòn, bắt đầu lể ở ngực, ở bụng rồi sau lưng. Cắt tới đâu, bà Bảy lấy bông gòn rịt vào, chỉ sau vài phút miếng bông gòn đã bị máu nhuộm đỏ tươi. Sau khi cắt lể xong, bé Huy được mẹ dùng khăn quấn lại đưa về Hậu Giang. Khi về đến nhà, bé Huy tiếp tục khóc dữ dội, chị Nguyệt mở khăn ra và tá hỏa khi phát hiện khắp người bé Huy máu vẫn tiếp tục chảy không cầm được.

Chị Nguyệt nói: “Em nghe lời mách của bà con. Tới bà lang, sau khi trị thấy đau lòng quá. Con em bị ra máu nhiều”.

Khi nhận thấy con mình trong cơn nguy kịp, gia đình tức tốc đưa bé đến bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cấp cứu. Tiến hành điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ phát hiện bệnh nhi mắc bệnh lý rối loạn đông máu do thiếu vitamin K, nên khi bị thầy lang đâm kim vào người trở thành vết thương máu không đông và tiếp tục chảy không cầm được. Qua kiểm tra, các y bác sỹ phát hiện trên khắp cơ thể bệnh nhi có hơn 30 vết thương do kim may quần áo đâm phải.

Anh Nguyễn Hoàng Em, cha của bé Huy nói trong sự hối hận: “Bà thầy làm không tính tiền, chỉ khi bốc thuốc mới tính tiền. Thấy con tội nghiệp quá. Sau này con tôi mà bệnh thì tôi chỉ đưa vào bệnh viện, không đưa đến chỗ chưa được cấp phép”.

Tiến hành cấp cứu, các bác sĩ đã cho truyền chất huyết tương tươi đông lạnh để cầm máu. Sau đó, tiếp tục truyền tiếp hồng cầu để bổ sung lượng máu bị mất cho bệnh nhi. Qua chẩn đoán, bệnh nhi xuất huyết và bị nhiễm trùng sơ sinh. Sau 2 ngày tích cực điều trị, sau khi truyền huyết tương cho vết thương cầm máu không chảy, truyền hồng cầu bổ sung lượng máu đã mất, bé Hoàng Huy đã tạm qua cơn nguy kịch.

Đến sáng 20/11, bé Hoàng Huy đã được chuyển đến phòng hồi sức tiếp tục theo dõi. Bác sỹ Bùi Quang Nghĩa, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biế,t do trẻ chưa đầy tháng tuổi, còn yếu ớt nên nếu không được cấp cứu kịp thời, mất máu nhiều tiếp diễn bệnh nhi sẽ bị trụy tim mạch, thiếu máu dẫn lên não, có thể để lại di chứng không hồi phục được não.

Bác sĩ Nghĩa nói: “Tôi chỉ có lời khuyên đối với các bậc cha mẹ những bé bị bệnh nên đến với các sơ sở y tế. Nếu cơ sở không đủ nhân vật lực thì chuyển lên tuyến trên. Không nên đưa đi ở những nơi mà cách trị là lể, cắt. Việc này ở những vùng nông thôn còn phổ biến. Như bé này thiếu Vitamin K thì sẽ làm nặng hơn. Còn bé lớn hơn thì sẽ nhiễm trùng và gây uốn ván, nguy hiểm đến tính mạng”.

Qua câu chuyện của cháu Nguyễn Hoàng Huy, thêm một lần nữa nhắc nhở các bậc làm cha làm mẹ cần nhận thức rõ là không nên đưa trẻ đến trị bệnh tại các nơi khám, chữa bệnh theo kiểu dân gian, dị đoan, phi khoa học để hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra cho con em mình. Điều cần thiết là đưa con em mình tới các cơ sở y tế để điều trị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên