Tác giả và Nhà xuất bản chối bỏ trách nhiệm
Với sự chối bỏ trách nhiệm của NXB Lao Động, nỗi oan của đức tổ dòng họ Bùi ở phường Đại Phúc, TP. Bắc Ninh vẫn không có cơ hội để rửa sạch
Báo TNVN số 39 ra thứ Năm, 14/5/2009 (trên trang Pháp luật) đăng bài “Nỗi oan từ một cuốn sách” phản ánh nỗi bức xúc của 2 dòng họ Nguyễn, Bùi ở phường Đại Phúc, TP. Bắc Ninh về cuốn sách “Danh nhân lịch sử Kinh Bắc” của tác giả Trần Quốc Thịnh, do NXB Lao Động ấn hành. Nội dung bài báo chỉ rõ những sai sót cần được chỉnh lý ở cuốn sách kể trên. Song, đến nay, tác giả Trần Quốc Thịnh và NXB Lao Động đều chối bỏ trách nhiệm của mình.
Ông Trần Quốc Thịnh thêm một lần ngụy tạo
Trong “Lời trình bày” gửi Ban giám đốc NXB Lao Động ngày 2/4/2009, ông Trần Quốc Thịnh, tác giả cuốn sách “Danh nhân lịch sử Kinh Bắc” trình bày: Phần viết về danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên (nội dung khiến hai dòng họ Nguyễn, Bùi bức xúc - PV) ông đã sử dụng nguyên xi nội dung đã công bố trong cuốn “Quần thể văn hoá Phả Lại - Đại Phúc” do chính ông biên soạn và xuất bản năm 2000. Và trong quá trình ông sưu tầm nghiên cứu tư liệu về danh nhân Nguyễn Phúc Xuyên thì dòng họ Nguyễn ở phường Đại Phúc đã thành lập hẳn một Ban khoa học dòng tộc do ông Nguyễn Ngọc Thạch làm Trưởng ban, và Ban tu chỉnh gia phả dòng họ gồm ba cụ trưởng dòng họ Nguyễn chủ trì.
Ông Thịnh khẳng định tất cả những điều ông viết đều căn cứ trên kết quả của những cuộc hội thảo do Ban khoa học dòng tộc và Ban tu chỉnh gia phả dòng họ Nguyễn ở Đại Phúc tổ chức. Tuy nhiên, qua xác minh của phóng viên, cả ông Nguyễn Ngọc Thạch và cụ Trưởng nhất Nguyễn Văn Tám đều khẳng định tác giả Trần Quốc Thịnh không hề tiếp xúc với dòng họ Nguyễn ở Đại Phúc trong quá trình viết những cuốn sách trên.
Liên quan đến chi tiết Bùi Thái Giám “lập mạo trạng tố giác Nguyễn Phúc Xuyêni”, ông Thịnh khẳng định tất cả các tài liệu liên quan mà con cháu họ Nguyễn ở Đại Phúc hiện còn lưu trữ đều nói rất rõ và thống nhất. Tuy nhiên, cụ thể đó là tài liệu gì thì ông Thịnh không dẫn ra được. Trong khi đó, tất cả những chức sắc của hai dòng họ Nguyễn, Bùi mà phóng viên phỏng vấn đều khẳng định không có tài liệu nào nói như vậy. Chưa kể, như bài báo đã dẫn, sự kiện Bùi Thái Giám tố giác Nguyễn Phúc Xuyên với vua Lê Kính Tông là không thể xảy ra vì khi vua Lê Kính Tông mất thì Bùi Thái Giám còn chưa ra đời. Như vậy, thêm một lần nữa, tác giả Trần Quốc Thịnh đã nguỵ tạo bằng chứng để phủ nhận sai lầm khi viết những cuốn sách kể trên.
NXB Lao Động chối bỏ trách nhiệm
Nếu như tác giả Trần Quốc Thịnh cố tình đưa ra những nguồn tư liệu không có thật để không thừa nhận sai lầm thì NXB Lao Động cũng cố tình dây dưa để né tránh trách nhiệm đối với cuốn sách đã xuất bản. Ngày 4/6/2009, NXB Lao Động đã gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh một công văn do bà Võ Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc ký với nội dung cho rằng: “Quy trình xuất bản cuốn sách đã được thực hiện thận trọng, kỹ càng như đối với rất nhiều đầu sách về văn hoá, lịch sử mà NXB Lao Động ấn hành mỗi năm”. Sự thận trọng, kỹ càng đó được thể hiện như thế nào?
Trong toàn bộ công văn trên, điều đó chỉ được thể hiện bằng những lý lẽ mà tác giả Trần Quốc Thịnh đã trình bày ở phần trên. Như vậy, sự “thận trọng” của NXB chỉ là… tin vào tác giả. Và với sự thận trọng đó, NXB Lao Động cũng khẳng định: “Về phía nhà xuất bản, từ những thông tin đã có, với chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi chỉ có thể đưa ra quyết định: Không tái bản cuốn sách "Danh nhân lịch sử Kinh Bắc" của soạn giả Trần Quốc Thịnh”. Như vậy, NXB Lao Động đã bác bỏ hoàn toàn yêu cầu của dòng họ Bùi về việc thu hồi cuốn sách, cũng như trực tiếp xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Với sự chối bỏ trách nhiệm của NXB, nỗi oan của đức tổ dòng họ Bùi vẫn không có cơ hội để rửa sạch. Dĩ nhiên, dòng họ Bùi sẽ không dừng lại việc kêu oan cho đức tổ, và câu chuyện này sẽ còn tiếp diễn. Hy vọng các cơ quan chức năng sẽ không để sự việc chìm vào im lặng./.