Tai nạn thương tích gia tăng ở Tây Nguyên dịp nghỉ lễ
VOV.VN -Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk đang trong tình trạng quá tải vì các ca tai nạn thương tích liên tiếp nhập viện trong suốt 1 tuần qua.
Ông Y Bliu AYul, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ từ 28/4 - 4/5, Bệnh viện đã tiếp nhận 255 trường hợp nhập viện cấp cứu vì tai nạn thương tích, trong đó có 145 ca tai nạn giao thông.
Số ca tai nạn giao thông tăng 43 trường hợp so với cùng kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm 2014 và đa phần các trường hợp đều có nồng độ cồn cao, vì đã uống nhiều rượu bia trước đó.
Do trung bình mỗi ngày phải tiếp nhận, cấp cứu hơn 40 trường hợp tai nạn thương tích, trong đó nhiều trường hợp phải nằm viện lâu, nên một số khoa của Bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải.
Y Bliu Ayul nói: “Hiện tại Bệnh viện quá tải. Hai Khoa chấn thương sọ não và chấn thương chỉnh hình có rất nhiều bệnh nhân nằm. Khoa ngoại chấn thương chúng tôi cũng đã chuẩn bị giường bệnh, phòng dự bị, để nếu bệnh nhân đông thì sẽ sắp xếp giường bệnh. Riêng chỗ cấp cứu ban đầu, chúng tôi chỉ đạo những người trực chính phải kèm theo trực phụ và trực dự bị”.
** Thời gian gần đây, tai nạn giao thông ở tỉnh Gia Lai tỉnh Gia Lai tăng cao, nhất là ở vùng nông thôn. Điều này tiếp tục xảy ra trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, khi có hàng chục người ở khu vực này phải nhập viện cấp cứu.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, chỉ trong 1 tuần qua, khoa cấp cứu của Bệnh viện đã tiếp nhận gần 183 trường hợp bị tai nạn thương tích, hơn 100 trường hợp trong số đó bị thương tích vì tai nạn giao thông, tăng 10 ca so với tuần trước đó.
Thực tế các trường hợp cấp cứu tại bệnh viện cho thấy, ngoài nguyên nhân mật độ giao thông tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tai nạn giao thông ở Gia Lai xuất phát từ những nguyên nhân đã được xác định từ lâu, nhưng khắc phục chưa hiệu quả, nhất là ở vùng nông thôn.
Ông Trần Đình Vỹ, ở huyện Chư Pưh, người đang nuôi 3 con bị tai nạn giao thông, nhập viện từ đêm 2/5 cho rằng, số đầu phương tiện tăng quá nhanh, mà hạ tầng giao thông nông thôn chậm được mở rộng, là nguyên nhân của tình trạng này.
Ngoài những nguyên nhân như vừa nêu, việc chủ quan, thiếu hiểu biết về an toàn giao thông, cũng khiến tai nạn ở vùng nông thôn Gia Lai thêm nghiêm trọng. Như tại huyện Chư Pảh, đa số các vụ xe máy tông nhau làm chết người ở đây, chủ yếu xảy ra khi thanh niên mới lớn điều khiển phương tiện.
Vụ gần đây nhất tại xã Ia Mơ Nông, xảy ra ngày 5/4, với 3 xe máy tông nhau, làm chết 4 người, thì 2 người điều khiển xe máy gây tai nạn mới chỉ 15 và 18 tuổi. Một vụ xe máy tông nhau trước đó, xảy ra tại xã Ia M’Nông, làm chết 3 người, cũng do những thanh niên 18, 19 tuổi, có hơi men điều khiển.
Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã yêu cầu tỉnh Gia Lai có biện pháp tích cực để chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn giao thông ở các vùng nông thôn tại địa phương./.