Tài xế lãn công, người trồng mía điêu đứng
Do những khúc mắc giữa nhà xe chở mía với Nhà máy Đường KCP đã khiến hàng trăm tấn mía của nông dân Đồng Xuân, Sơn Hoà (Phú Yên) chịu cảnh khô héo trên ruộng.
Sáng 5/1, hơn 200 xe tải hợp đồng chở mía của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (KCP VIL), sau khi vào nhà máy cân mía xong, đã xếp hàng dài gần 1km trước cổng hoặc đỗ rải rác trên các đường làng ở huyện miền núi Sơn Hòa.
Cánh tài xế cho xe dừng hoạt động để phản đối Nhà máy Đường KCP phân phối giờ nhập mía không hợp lý làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà xe.
Sự việc bắt đầu từ 2h ngày 4/1, Nhà máy Đường KCP ưu tiên cho các xe chở mía từ 2 xã Xuân Lãnh và Đa Lộc của huyện Đồng Xuân được nhập mía trước. Trong khi đó hàng trăm xe chở mía khác từ các nơi về phải nằm chờ trước đó nhiều giờ.
Ông Dương Quốc Phong – chủ xe 77H- 9606 (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) cho biết, trung bình mỗi xe chở từ 15-20 tấn mía cây. Khi cân xong, nhà máy trừ từ 3,5-4% tạp chất. Như vậy, mỗi xe chở mía mất từ 600-1000kg tạp chất. Tuy nhiên, nhà máy không tính tiền cước vận chuyển số lượng tạp chất, bởi vậy mỗi chuyến, nhà xe mất từ 50.000-100.000 đồng. Tình trạng này đã kéo dài 9 năm nay, các nhà xe đã đề đạt nguyện vọng nhưng công ty vẫn không giải quyết.
Tổng giám đốc KCP VIL - ông R. Subbaiah cho biết: “Nhà máy và các chủ xe đã thống nhất ký hợp đồng vận chuyển mía theo thời vụ. Do vậy, việc các chủ xe đồng loạt ngừng hoạt động là vi phạm các điều khoản đã quy định cụ thể trong hợp đồng...”.
Về việc nhà máy không tính công vận chuyển lượng mía tạp chất, ông R. Subbaiah phân bua: “KCP VIL đã áp dụng không tính cước tạp chất đã 9 năm. Và chúng tôi sẽ tìm hiểu chính sách này tại các nhà máy khác ở khu vực miền Trung để áp dụng cho phù hợp”.
Việc hàng trăm xe chở mía ngưng hoạt động trong nhiều ngày đã làm ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch, tiêu thụ mía của nông dân.
Bà Đặng Thị Mai (thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) cho hay: “Tôi đã nhận phiếu đốn và thu hoạch 6 sào mía và chỉ mới vận chuyển được 2 xe, còn tồn đọng 1 xe mía bỏ khô trong 7 ngày”.
Đây là hiện trạng chung của các hộ trồng mía ở đây. Hiện số lượng mía chặt còn tồn đọng trên đồng ruộng từ 3 - 7 ngày là rất lớn.
Mía để lâu trên ruộng bị khô héo, làm giảm lượng đường. Do vậy, hàng trăm hộ dân ở các vùng mía huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân... đồng loạt kiến nghị ban điều hành mía đường các huyện và lãnh đạo Công ty KCP VIL cùng giải quyết khúc mắc trong chính sách phối hợp giữa nhà máy và các chủ xe vận chuyển để sớm tiêu thụ hết mía tồn đọng cho dân.
Tổng giám đốc KCP VIL - ông R. Subbaiah cho biết, chiều 5/1, đã có 10 xe chấp nhận vận chuyển trở lại cho nhà máy và công ty sẽ phấn đấu vận chuyển hết lượng mía tồn đọng cho nông dân./.