Tài xế xích lô

Giữa cái nắng bỏng rát như muốn vỡ cả mặt đường bê tông, câu chuyện muôn thuở của những bác tài vẫn là gánh nặng mưu sinh

Làm một bác “tài” xích lô, là mỗi sớm đùm đùm gói cơm mang theo khi chở khách; là gò lưng đạp trên đường nắng gắt; và thở dài âu lo không dứt: một mai xích lô không còn nữa, chặng đời cơm áo về đâu? Nhưng trên những vòng quay không dứt ấy, vẫn có những câu chuyện đẹp về tấm lòng nhân ái và sự tận tâm cứu giúp người bị nạn, hay những cảnh ngộ thương tâm mà họ gặp trên đường.

Ông Lê Quang Khôi (trái): "Tôi hoàn lương được là nhờ xích lô đấy"

“Tôi hoàn lương được là nhờ xích lô đấy!”

Lang thang qua “làng xích lô” từ ngã ba Trần Quang Khải (Hà Nội) lên cầu Chương Dương vào một buổi trưa nắng, chúng tôi không còn lạ lẫm với cả trăm chiếc xích lô xếp hàng dài trên vỉa hè đợi khách. Giữa cái nắng bỏng rát như muốn vỡ cả mặt đường bê tông, câu chuyện muôn thuở của những bác tài vẫn là gánh nặng mưu sinh. Và còn một chuyện mà nhiều người nhắc đến, đó là chuyện ông tài Khôi “đen” hoàn lương làm lại cuộc đời.

Ông Lê Quang Khôi (52 tuổi, ở số 61, ngách 63, ngõ chợ Khâm Thiên) gắn đời mình với chiếc xích lô đã 20 năm nay. Ông Khôi kể, nhà ông mang tiếng là ở Hà Nội, nhưng lại đông con nên cái nghèo bao năm đeo đẳng. Thời trẻ nông nổi, ông tính “làm liều”, chơi bời trộm cắp lêu lổng, đã nhiều lần bị đưa đi cải tạo. Cái vòng quay đi tù, về không có công ăn việc làm rồi lại “ngựa quen đường cũ” cứ đeo đẳng người đàn ông này.

“Mỗi lần trở về là một lần nhìn cuộc sống đổi thay, rồi bất chợt tôi cảm thấy nhục quá! Tôi đánh bạo vay tiền mua chiếc xích lô. Tôi lang thang đạp xe đi chở hàng cho khách, đầu tiên trong ngõ chợ, sau thì khắp thành phố. Thành phố lúc đó không còn xe điện, xích lô tiện dụng lại xuất hiện nhiều, nên ai cũng ưa loại phương tiện này. Tôi vì thế làm không hết việc”.

Ông Khôi vẫn nhớ mãi lần qua đoạn Cửa Nam, giữa trời mưa tầm tã, ông thấy một thằng bé nước mắt ngắn dài đang đứng bên hè đường, miệng không ngớt gọi mẹ. Giữa tiếng sấm sét ầm ào, tiếng gọi mẹ của cậu bé như lạc đi. Hỏi chuyện, ông mới biết cháu bé tên Huy, 5 tuổi, bị lạc mẹ khi đi qua một ngã ba nên cứ đi lang thang khắp nơi để tìm mẹ. Ông bèn hỏi cháu bé có nhớ tên bố mẹ, số điện thoại hay địa chỉ nhà không nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Rồi thấy tập vở cháu cầm trên tay đã nhòe mực vì nước mưa có ghi địa chỉ trường lớp, ông vội vã đưa cháu đến cho cô chủ nhiệm.

Ông Khôi bảo, nhờ chiếc xe cọc cạch, chở khách bất kể đêm ngày, cố gắng cóp nhặt, cũng được đồng ra đồng vào. Rồi giữa xã hội ồn ào, cuộc đời của ông cũng như sáng hơn. Một lần đi chở hàng thuê ra ga Hàng Cỏ về đêm, ông đã gặp một cô gái quét rác. Từ cái duyên gặp gỡ ấy mà nên vợ nên chồng. “Vợ tôi là công nhân môi trường đô thị, ông trời run rủi cho những phận lao động nghèo chúng tôi gặp nhau. Đời tôi như sang trang từ đấy. Vợ chồng cặm cụi làm ăn, cũng bớt đi cái nghèo, lo cho các con ăn học, đứa lớn đang học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 7”.

Người đàn ông nheo mắt cười, gương mặt đen sạm mồ hôi nhưng vẫn ánh lên cái nhìn mãn nguyện: Nhiều người quen cũ thắc mắc, sao “cái thằng phá phách, trộm cắp rạch giời” lại trở về hoàn lương tài thế nhỉ? Tôi tự hào lắm và khoe với họ, tôi hoàn lương và lấy được vợ, là nhờ xích lô cả đấy!”.

Ông tài Lê Văn Đức trong một phút nghỉ ngơi

“Tôi giúp người rồi cũng sẽ có người giúp tôi”

Cực nhọc, lo gánh đời cơm áo cho gia đình nghèo giữa cuộc sống bộn bề, những người đàn ông ấy vẫn hài hước đùa rằng nghề của mình là “phu xe hiện đại”. “Làng xích lô” cũng đa dạng những phận đời.

Ông Lê Văn Đức (số 15, Phan Huy Ích, Hà Nội) khoe, 30 năm qua, những người như ông vẫn “lấy bàn chân đạp ra cơm gạo”. Trở về từ chiến trường, mang theo mảnh đạn trong đầu đến tận bây giờ, cứ trái gió trở trời lại nhức nhối. Không nghề nghiệp, ông Đức chỉ còn biết nhờ chiếc xích lô để kiếm sống nuôi vợ con. Lương của “tài xế” xích lô thường được tính công ngày, mỗi cuốc chừng 30.000 đồng. Tính ra, mỗi tháng ông Đức cũng kiếm được chừng đôi, ba triệu. Đã 60 tuổi, 2 đứa con ông vẫn còn đang học cấp 2, vợ ông nghỉ không lương, về nhà đi rửa bát thuê.

Ông Đức tâm sự: “Rủi, trời không cho sức khỏe nữa đành phải chịu thôi, chứ còn kiếm sống được ngày nào, tôi còn cố gắng kiếm tiền nuôi con học ngày đó”. Cũng vì thường xuyên phải đi trên đường nên ông Đức hay gặp những cảnh ngộ rất thương tâm. Có lần, ông gặp một phụ nữ bị tai nạn trên đường. Giữa trưa vắng vẻ, kẻ gây tai nạn lại bỏ chạy nên chị không biết kêu ai. Thấy vậy, dù đang chở khách nhưng ông Đức vẫn dừng lại và thuyết phục khách nhường xe để ông đưa người bị nạn đi bệnh viện. Sau lần ấy, gia đình chị tìm đến tận nhà ông Đức để cảm ơn và ngỏ ý biếu ông một số tiền nhưng ông từ chối. Ông bảo tôi: “Những chuyện này tôi gặp thường ngày trên đường. Tôi giúp người ta rồi cũng sẽ có người giúp lại tôi, ơn nghĩa gì đâu mà kể”.

Đã 65 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Cần (phường Phúc Tân, Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn “đam mê” với công việc lắm. Ông Cần tự hào, ông gắn với xích lô từ những năm đầu công việc này rộ lên và được… chuộng. Mỗi lần đi chở khách, nhìn thấy vẻ mặt mãn nguyện của khách khi ngắm Hà Nội, thấy có người khách Tây khen “xích lô đặc biệt”, ông cũng thấy… vui lây. Vợ ông bị bệnh qua đời đã 9 năm nay, nhờ có tình cảm anh em ở “làng xích lô” này, ông nguôi ngoai nhiều, hôm nào không đi làm, bứt rứt khó chịu lắm! Với lại, đi làm cũng là để giúp con cái có tiền đóng học cho lũ cháu”.

Nhọc nhằn đời xích lô

Về đâu?

Với ông Đỗ Anh Thư, Giám đốc Công ty Xích lô du lịch San Souci, xích lô Hà Nội không chỉ gắn với cơm áo mưu sinh, mà nó còn gắn với cả một chặng dài ký ức về sự “lớn lên” của thành phố này. Ông Thư sinh ra ở Hà Nội, sau quãng đời chiến trận, ông về làm thầy giáo. Do hoàn cảnh ông giã từ giảng đường và bước vào cuộc mưu sinh, cũng chỉ với chiếc xích lô là tài sản đáng giá nhất.

Ông Thư nhớ lại, khoảng những năm 1986, xích lô ở Hà Nội có khoảng hơn 2 vạn chiếc, chiếc nào chiếc nấy đen và xấu xí, nhưng dần dần nhiều người đã mặc định nó như một đặc trưng của Hà Nội. Nhiều khách nước ngoài đến Việt Nam, đi xích lô trong các phố cổ cảm thấy rất hài lòng. Có người nói: “Chưa đi xích lô, đừng nói rằng đã đến Việt Nam”. Có lẽ vì thế mà trong một thời gian dài, xích lô được ưa chuộng. Trước nhu cầu chở khách nhiều, ông Thư quyết định thành lập công ty xích lô du lịch. Công ty của ông có gần 100 người, người ngoại tỉnh có, người nghèo ở Hà Nội càng nhiều, công việc ổn định nên đời sống của anh em cũng bớt phần chật vật.

Tôi vẫn nhớ phút thở dài của ông Đức bên gốc cây già cỗi: “Tôi đi làm thuê không ai mướn, cũng chỉ còn “con” xế tàn này làm bạn đồng hành. Nhiều đêm tôi không dám chợp mắt, chỉ vì ý nghĩ lo sợ rằng, nếu như tôi bỏ cuộc giữa chừng, 2 đứa con tôi chắc chắn sẽ rơi vào đội ngũ thất học giữa Thủ đô văn minh này, nghĩ đến mà rơi nước mắt”.

Sau giây lát trầm ngâm, ai nấy đều lên xe đi. Những vòng xe cuộn ào vào đời sôi động, mặc cho nắng oi nồng, mồ hôi đẫm lưng áo. Bởi có lẽ hơn tất cả, họ đều đang trông về một mái ấm bình yên…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên