Tâm sự của những người nuôi Hổ

Nếu một mai, chúng ta chỉ còn nhìn thấy hổ trong sách, trong tranh ảnh… thì quả là một mất mát không gì bù đắp nổi  

Đến Vườn thú Hà Nội, có lẽ không một du khách nào lại không muốn một lần được tận mắt quan sát loài động vật được ví là “chúa tể sơn lâm”. Nhưng ít ai biết “lý lịch” và hành trình để những con hổ hung dữ, hoang dã “có mặt” tại Thủ đô cũng là những câu chuyện bất ngờ và xúc động.

Lai lịch những con hổ ở vườn thú Hà Nội

Kỹ sư Lê Anh Chấn cho biết, con hổ đầu tiên có mặt tại Vườn thú Hà Nội có tên Hà Giang. Mùa nước lũ năm 1971, một con hổ non bị dòng nước cuốn trôi, đẩy dạt vào một mỏm đá. May sao, chú hổ con đã được một ông già dân tộc Mông tên là Pờ Sảo Mù cứu và mang về bản chăm sóc rồi cuối cùng được Công ty công viên Hà Nội đến tiếp nhận về nuôi. Hổ con chính thức mang tên Hà Giang từ đó…

Thời gian từ năm 1991-1992 vườn thú không còn hổ. Đây có lẽ là thời gian buồn nhất đối với những người hàng ngày vẫn quen với tiếng gầm oai phong của chúa tể rừng xanh. Rồi niềm vui lại đến khi cuối năm 1992, Vườn thú sưu tập được một đôi hổ nhỏ nặng 3-4kg “miệng còn hôi sữa”. Chúng được đặt tên là Đen và Vàng.

Nghề chăm hổ rất nguy hiểm, nhưng anh Thọ cũng đã gắn bó với nghề được 18 năm (Ảnh: Lê Bích)

Đây cũng là thời điểm các kỹ sư chăn nuôi, bác sỹ thú y “toát mồ hôi” khi đóng vai những “người bảo mẫu”. Do hổ còn nhỏ và chỉ uống sữa nên mọi người phải nghĩ đến phương án kiếm sữa cho hổ con. Và rồi hành trình vât vả tìm nguồn sữa ngoài nuôi hổ diễn ra mà khi nhắc đến, ông Chấn cũng như nhiều người trực tiếp chăm sóc hổ tại đây vẫn nhớ như vừa xảy ra không lâu.

Nhân viên Vườn thú đã phải lặn lội tìm mua sữa dê, sữa bò, kể cả sữa chó cho đến sữa hộp DUMEX… để nuôi hổ con.

“May sao, các loại sữa ngoài dần rồi cũng “hợp khẩu vị” hổ con. Chẳng phụ công người chăm sóc, hai chú hổ con ngày nào dẫn lớn nhanh như thổi. Cùng với những chú hổ được nhập thêm từ các địa phương và Vườn thú Singapore thời điểm đó, chúng đã trở thành những bà mẹ an bình”, ông Chấn kể.

Trong suốt cuộc trò chuyện, rất nhiều lần ông Chấn nhắc đến chú hổ Lâm Nhi- cái tên dễ thương gắn với câu chuyện cảm động về cuộc đời một chú hổ từng làm xôn xao giới truyền thông.

Ông Chấn vẫn nhớ như in hình ảnh một con hổ nặng gần 30kg, thân hình tiều tuỵ đầy thương tích được Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên- Huế thu được từ tay bọn buôn lậu thú tại huyện Phong Điền. Sở thú Hà Nội được phép của Cục Kiểm lâm Trung ương vào tiếp nhận. Hổ được đưa về Hà Nội chữa chạy, chăm nom như một bệnh nhân đặc biệt.

Trong cuộc thi đặt tên cho con hổ đến từ Thừa Thiên- Huế do Báo Hoa học trò, Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã quốc tế (WWF) và Vườn thú Hà Nội tổ chức cuối năm 1998, chú hổ được mang tên Lâm Nhi do em Nguyễn Thị Chính, học sinh lớp 6 tại Vĩnh Phúc đặt và được chọn. Hai năm sau, Lâm Nhi sinh hạ 4 con và hiện tại, “cháu ngoại” của Lâm Nhi cũng đang được chăm sóc tại Vườn thú Hà Nội.

Và nhiều con hổ khác đã đến với Vườn thú Hà Nội trong những hoàn cảnh khác nhau, song đa số có điểm chung chẳng lấy gì làm vui là chúng đều được cứu ra từ nơi nguy hiểm.

Chăm hổ hơn chăm con!

Ông Lê Anh Chấn vẫn nhớ như in một chuyện về chú hổ tên là Lai Châu. Một móng chân dài của Lai Châu quặp vào nệm thịt gan bàn chân khiến nó rất đau đớn. Các bác sỹ thú y lo ngại hổ Lai Châu có thể bị nhiễm trùng máu nếu không được chữa trị kịp thời. Cuối cùng các bác sĩ và kỹ thuật viên Sở thú Hà Nội quyết định giải phẫu cắt móng quặp ở 4 bàn chân hổ. Sau khi tiêm thực nghiệm thuốc mê qua mèo làm vật chứng đến 5, 7 lượt, việc cắt chiếc móng dị thường cũng đã được tiến hành. Ca phẫu thuật thành công, trả lại cuộc sống yên bình cho chú hổ Lai Châu.

Chuồng hổ luôn được dọn dẹp sạch sẽ (Ảnh: Lê Bích)

“Nhiều lúc thấy mình chăm hổ còn hơn chăm con”- đó là câu nói đùa nhưng hoàn toàn đúng với công việc mà hàng ngày anh Phạm Khắc Thọ- nhân viên nuôi hổ Vườn thú Hà Nội vẫn làm. 18 năm làm công việc nuôi hổ cũng là quãng thời gian anh được chứng kiến những câu chuyện ly kỳ và cảm động về những chú hổ đã và đang sống tại Vườn thú Hà Nội.

Kể về lý do anh gắn bó với cái nghề nguy hiểm này, anh Thọ chỉ cười rồi thật lòng: “chỉ vì tôi yêu hổ”. Dạo đó, khi hai con hổ Đen và Vàng được Vườn thú Hà Nội tiếp nhận chăm sóc, cứ rảnh rỗi, anh Thọ lại đến gần quan sát và vuốt ve chúng. Nhận thấy anh Thọ tỏ ra quan tâm đến hai chú hổ con, Ban Giám đốc Vườn thú đã giao công việc chăm sóc hổ con cho anh. Cũng chính từ thời điểm đó, anh Thọ gắn bó với nghề chăm sóc loài thú dữ này.

Anh Thọ tâm sự: “Dù thu nhập không cao nhưng mình vẫn muốn tiếp tục được làm công việc nuôi hổ. Gần 20 năm chăm sóc và chứng kiến quá trình trưởng thành của nhiều con hổ, một tình cảm tự nhiên nảy sinh khiến mình không thể rời xa những con vật này”.

Có lẽ vì tình cảm đó mà dù nhiều lần được Ban Giám đốc cho phép chuyển vị trí công tác, anh Thọ vẫn

Cùng với Thảo cầm viên Sài Gòn, Vườn thú Hà Nội có thâm nhiên 30 năm nuôi và trưng bày hổ. Hiện Vườn thú đang nuôi dưỡng và trưng bày gần 80 loài với 540 cá thể, trong đó có hơn 30 loài thuộc diện quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam.

Vườn thú Hà Nội cũng gần như là nơi duy nhất ở miền Bắc người dân có thể xem được Gà lôi lam đuôi trắng, Già đẫy lớn, Già đẫy Java, Culi, Voọc xám, Vượn đen má trắng, Cầy vằn, Cầy mực, Hổ Đông Dương, Báo Hoa mai...

bày tỏ mong muốn được tiếp tục công việc quen thuộc trong nhiều năm qua. Và hiện tại, anh vẫn ngày ngày làm “bảo mẫu” cho 7 con hổ Đông Dương. Khó khăn nhiều, sự nguy hiểm luôn hiện hữu,  song với anh Thọ, được hàng ngày làm công việc mình yêu thích thì chẳng còn gì vui bằng!

“Hổ tuy hung dữ nhưng khi được quan tâm, chăm sóc, chúng cũng sẽ trở nên đáng yêu và gần gũi với con người”, nói rồi anh Thọ dùng tay áp nhẹ vào lưói sắt để được một con hổ tên Lô nặng hơn 100kg liếm láp bàn tay mình như chứng minh lời anh vừa nói, khiến những người không quen công việc của anh, khi nhìn thấy cũng phải “gai” mình.   

Cuộc sống phát triển, nhu cầu của con người không ngừng thay đổi và thậm chí, có những sở thích của con người là nguyên nhân dẫn đến sự phá vỡ quy luật sinh học. Những thứ liên quan đến hổ từ thịt, lông, răng, móng… đã và đang là mặt hàng “hot” trên thị trường. Người ta cần đến nó vì nhiều lý do, trong đó có cả mong muốn khẳng định “đẳng cấp” và sự giàu có của mình. Song, liệu mấy ai tự hỏi: sẽ ra sao nếu một ngày nào đó không còn bóng “chúa sơn lâm”? Sự đa dạng sinh học cứ mất dần. WWF đã liệt kê loài hổ vào danh sách 10 loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Đối với ông Chấn, anh Thọ, họ chỉ suy nghĩ một điều, rằng sẽ buồn và vắng lặng biết bao khi thiếu tiếng gầm oai phong của hổ. Chính vì vậy, họ đang cố gắng hết sức cho công việc thầm lặng của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên