Tăng ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp

Tất cả trường hợp nhiễm độc methanol có biểu hiện như: hôn mê sâu, khó thở, tụt huyết áp, nhiễm toan...   

Từ cuối tháng 5 đến nay, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội tiếp nhận 28 ca ngộ độc do rượu, trong đó có 9 ca ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp (methanol), nguy cơ tử vong cao.

Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân cấp cứu vẫn còn “khiêm tốn” so với số bệnh nhân thực tế bị ngộ độc methanol trong cộng đồng. Theo bác sĩ Trung tâm chống độc, tất cả trường hợp nhiễm độc methanol có biểu hiện như: hôn mê sâu, khó thở, tụt huyết áp, nhiễm toan...  Methanol khi vào cơ thể không chuyển hóa và đào thải bình thường được mà chuyển thành những chất gây độc hệ thần kinh, gan, thận với những biến chứng nặng, như: suy thận, vô niệu, suy gan, viêm gan, vàng da, viêm gan nhiễm độc, hôn mê, viêm thần kinh thị giác dẫn đến mù...

Thực tế, methanol có trong các sản phẩm như dung dịch sản xuất sơn, dung dịch tẩy, chất chống đông lạnh... Methanol không phải là loại thực phẩm, vì vậy việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định có thể gây ngộ độc. Người sản xuất rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, pha rượu hay chế rượu thuốc để làm rượu chóng dậy mùi hơn.

Việc xác định liều lượng rượu nên sử dụng là bao nhiêu sẽ giúp người dùng tránh được nguy cơ ngộ độc và các biến chứng nặng nề do rượu. Giới hạn dùng với rượu mạnh (40 - 45 độ) không quá 30ml/ngày, với bia không quá 750ml/ngày./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên