Tạo thói quen sử dụng từ điển tiếng Việt
Việc quảng bá, phổ biến những cuốn từ điển có chất lượng, dần tạo thành thói quen tra cứu từ điển của mọi người để phát huy vai trò của từ điển trong sử dụng ngôn ngữ
Hiện nay, việc sử dụng từ điển tiếng Việt phục vụ cho học tập, công việc… vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, có nhiều cuốn từ điển giải thích sai một số từ - ngữ khiến cho người cần tra cứu hoang mang, không biết sử dụng tiếng Việt như thế nào cho đúng.
Xây dựng ý thức sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt đúng
Một chuyên gia ở Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đưa ra thống kê: ở một số nước phát triển, việc sử dụng từ điển phổ thông trở thành nhu cầu tất yếu của người dân. Tại Pháp, hầu như mỗi gia đình đều có một cuốn từ điển giải thích tiếng Pháp. Tại Anh, hầu như sinh viên nào cũng có một cuốn từ điển tra cứu ngôn ngữ. Với Trung Quốc, cứ 80 - 90 người có một cuốn từ điển giải thích. Còn ở Việt Nam, tỷ lệ này rất khiêm tốn, 400 người/cuốn.
Thực tế, trên thị trường hiện nay bán khá nhiều cuốn từ điển tiếng Việt nhưng người dân chưa hình thành thói quen sử dụng từ điển phục vụ cho học tập, công việc cũng như cuộc sống. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: "tình trạng này là do chúng ta chưa xây dựng được ý thức sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt đúng, coi đó như chuẩn mực văn hóa".
Cô giáo Trần Thị Thuấn, giáo viên môn Văn (Hà Nội) nhận xét, hiện nay HS ít có thói quen sử dụng từ điển tiếng Việt, khi có băn khoăn, không hiểu về từ nào đó thì các em thường hỏi giáo viên chứ ít chịu tra từ điển.
Em Tô Huyền My, học sinh trường Chuyên THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông - Hà Nội) cho biết: “Nhà em có 2 cuốn từ điển tiếng Việt, trong đó có cuốn từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất. Thỉnh thoảng em cũng có tra cứu. Em cũng không rõ nhà bạn em có cuốn từ điển nào hay không nhưng em thấy các bạn rất ít dùng từ điển. Hiện có quá nhiều cuốn từ điển tiếng Việt, có khi cùng một từ mỗi cuốn từ điển lại giải thích khác nhau. Em băn khoăn không biết chọn cuốn từ điển tiếng Việt nào là chuẩn”.
Ths. Lê Đức Đồng (THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai - Sóc Trăng) cho rằng: “Cần tạo thói quen sử dụng các loại sách công cụ như Từ điển tiếng Việt, Từ điển từ và ngữ tiếng Việt. Khi gặp từ khó, chưa xác định được rõ ràng thì nên tra từ điển để nắm thêm nghĩa của từ và hạn chế việc viết sai chính tả”.
“Thước đo” sai bét vẫn lưu hành
Dạo qua phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí (Hà Nội) có thể thấy hàng chục loại Từ điển tiếng Việt khác nhau. Nhưng đáng tiếc có không ít cuốn được biên soạn cẩu thả, kém chất lượng, với vô số lỗi vẫn được lưu hành. Điển hình là cuốn “Từ điển tiếng Việt” của NXB Văn hóa - Thông tin, ngoài bìa có ghi mập mờ thêm dòng chữ “Ngôn Ngữ Việt Nam”. Nếu giở bất kỳ trang nào của cuốn từ điển này cũng dễ dàng phát hiện được vô số lỗi, hoặc về chính tả, hoặc về cách diễn đạt trong lời giải thích cũng như nội dung của vấn đề được đề cập.
Nội dung chính của từ điển là giải thích từ ngữ nhưng lại có quá nhiều “sạn”, với cách giải thích vòng vo, sai lạc, ngô nghê khiến cho HS hiểu sai trầm trọng, gây tức cười. Chúng tôi xin dẫn chứng ra đây một số lỗi trong cuốn “Từ điển tiếng Việt” (tác giả Vũ Chất) như: Cao tần: ở tần số cao; Dịch thuật: Dịch và thuật; Khốn nạn: nghèo khó và hoạn nạn; Cảnh giác: Báo cho biết thức tỉnh; Ca vũ: ca hát và khiêu vũ; Bút nghiên: bút và nghiên mực...
Nhiều giáo viên cho rằng, không thể chấp nhận những cuốn từ điển với những lỗi sai nghiêm trọng như vậy. Những cuốn từ điển này không giúp gì cho việc nâng cao kiến thức và thẩm mỹ về tiếng Việt của học sinh, mà thậm chí còn gây hại, vì nó khiến tiếng Việt bị hiểu một cách méo mó, lệch lạc.
Cô giáo Trần Thị Thuấn, cảnh báo: nếu các em sử dụng những quyển từ điển kém chất lượng, giải thích không đúng, sẽ định hướng sai trong việc sử dụng tiếng Việt, làm biến dị tiếng Việt, ảnh hưởng lớn đến học tập, cũng như cuộc sống của học sinh.
TS Ngôn ngữ học Nguyễn Huy Cẩn (Viện Thông tin Khoa học Xã hội) - người có khá nhiều nghiên cứu về tiếng Việt dành cho trẻ em, học sinh, nêu rõ: "Từ điển dành cho học sinh phải đảm bảo được yêu cầu để học sinh nắm được nghĩa cơ bản của từ và vận dụng trong học tập. Vì thế, không thể lưu hành những cuốn từ điển nhiều sai sót, không phản ánh đúng thực tế tiếng Việt”.
Để những cuốn sách vô bổ, có hại cho cả thế hệ học sinh vẫn ngang nhiên tồn tại, bày bán khắp nơi, trách nhiệm này thuộc về ai?! Thậm chí, những cuốn sai sót đó còn được tái bản nhiều lần (Cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” (tác giả Vũ Chất) được NXB Văn hóa và Thông tin tái bản vào năm 2009?!). “Lỗ hổng” trong xuất bản là quá rõ ràng. Ai muốn cũng có thể làm từ điển, mà nhỡ có sai cũng chả sao, chỉ có người dùng chịu thiệt. “Với những cuốn từ điển có tác động xã hội lớn phải có hội đồng chuyên môn thông qua mới cho xuất bản” - TS. Nguyễn Huy Cẩn đề xuất.
Từ điển tiếng Việt - Cuốn sách của mọi nhà
Về vai trò của từ điển tiếng Việt trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, PGS.TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, cho rằng “từ điển tiếng Việt” là từ điển giải thích tiếng Việt; là loại sách tra cứu cung cấp thông tin về các từ ngữ, từ điển có chức năng xã hội rất rộng. Bên cạnh việc cung cấp vốn từ ngữ và cách sử dụng chúng trong giao tiếp, học tập tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ, góp phần chuẩn hóa ngôn ngữ cũng như công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, từ điển còn giúp mở rộng hiểu biết của con người về sự vật, khái niệm.
Từ điển cũng có tác dụng lớn đối với sự phát triển của văn hóa, giáo dục, đối với việc nâng cao dân trí, đối với sự phát triển của bản thân ngôn ngữ và việc mở rộng giao lưu giữa những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Cần phải quảng bá, phổ biến để dân biết lựa chọn những cuốn từ điển có chất lượng, dần tạo thành thói quen tra cứu từ điển của mọi người. Từ đó mới phát huy vai trò của từ điển trong sử dụng ngôn ngữ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Việt thừa nhận, thực tế hiện nay từ điển vẫn còn lạc hậu so với sự phát triển của xã hội. Hiện có gần 50 đầu sách từ điển tiếng Việt của nhiều tác giả, địa phương biên soạn. Nhưng những cuốn từ điển biên soạn mới hoàn toàn thì ít. Chủ yếu là người biên soạn cóp nhặt mỗi chỗ một ít để cho ra quyển mới. Việc biên soạn từ điển hiện nay còn chưa khoa học, chưa chính xác. Hiện có 2 cách làm: thứ nhất là, đối với những cuốn sao chép nhưng giữ nguyên nội dung thì thường dùng lời lẽ phức tạp khiến cho người dùng khó hiểu. Thứ hai là có những cuốn biên soạn rất ẩu, nhiều lỗi, gây hại với người sử dụng. Vì vậy, khi mua cần xem kỹ tên nhà xuất bản vì trên thị trường nhiều sách ghi tên kiểu mập mờ như “Khoa học xã hội nhân văn” hoặc “Viện Ngôn ngữ” khiến cho người mua lầm tưởng.
Ông Phạm Hùng Việt cho rằng, cần có nhiều cuốn từ điển khác nhau dành cho nhiều đối tượng. Hiện nay, từ điển chưa nhắm được vào đối tượng học sinh tiểu học, THCS. Để làm được từ điển nhỏ dành cho đối tượng này không dễ. Vì phải nắm được yêu cầu chuẩn của học sinh tiểu học, học bao nhiêu từ, gồm những từ gì và phải định nghĩa đơn giản, phù hợp. Muốn vậy, phải có điều tra khảo sát những từ dùng trong sách của học sinh, trong khi SGK của chúng ta lại không ổn định.
Hiện, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đang tập trung biên soạn cuốn Từ điển tiếng Việt cỡ lớn, với khoảng 80 ngàn mục từ bao quát vốn từ cơ bản. Dự kiến cuốn từ điển này làm từ năm 2011 đến 2015, sẽ hướng dẫn người sử dụng đúng ngữ pháp, góp phần chuẩn hóa tiếng Việt cũng như giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt./.