Tập trung khắc phục hậu quả bão số 14
VOV.VN -Các địa phương khẩn trương thống kê tình hình thiệt hại bão số 14, kịp thời công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Tại cuộc họp sáng nay (11/11), ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu khẩn trương thống kê tình hình thiệt hại bão số 14 để kịp thời khắc phục hậu quả sau bão, miền Bắc đặc biệt lưu ý tình hình mưa của hoàn lưu bão, đảm bảo an toàn các hồ chứa.
Đêm qua, tâm bão số 14 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh giữa thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Đến sáng sớm nay, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp và di chuyển ra khỏi địa phận nước ta sang đất liền phía Trung Quốc. Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: Hoàn lưu bão sẽ tiếp tục gây mưa cho các tỉnh trung du, đồng bằng và miền núi phía Bắc. Các tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh cần đặc biệt lưu ý có thể có mưa lớn từ 200mm - 300mm.
Ông Bùi Minh Tăng cũng đặc biệt lưu ý, ngoài khơi xích đạo của Thái Bình Dương đã xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc có khả năng mạnh lên thành bão, trong trường hợp mạnh lên thành bão sẽ đi qua miền Trung của Philippines và đi vào biển Đông khoảng giữa tuần này.
Bão làm gãy đổ cây ở Quảng Ninh |
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 14 tại vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh đã có một số thiệt hại về tàu thuyền. Trong đó Quảng Ninh là địa phương chịu nhiều thiệt hại do bão đổ bộ gồm: 6 nhà bè bị đắm, vỡ; 20 tàu thuyền bị chìm tại nơi neo đậu; 4 nhà dân bị sập, 110 nhà bị tốc mái; Cột ăng ten phát thanh truyền hình thành phố Uông Bí bị gẫy đổ. 6/8 huyện, thành phố bị mất điện hoàn toàn…
Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng cho biết: Ngay khi bão đổi hướng, công tác ứng phó của các lực lượng trong toàn quân đã được thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ và phương tiện của Quân khu 3, Quân khu 1 và Bộ tư lệnh thủ đô, Cảnh sát biển, Hải đoàn quân chủng Hải Quân đã được huy động ứng phó bão. Các lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyến biển đang phối hợp với các địa phương khắc phục thiệt hại do bão số 14 và cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền trên biển. Trong đó, tàu FuCheng 22, gồm 5 thuyền viên (quốc tịch Trung Quốc) bị hỏng máy trôi dạt ở vùng biển Long Châu, thành phố Hải Phòng đêm qua phát tín hiệu cấp cứu, đang được lực lượng cứu hộ cứu nạn ứng cứu.
“Tàu này có trọng tải 900 tấn bị hỏng máy thả trôi không liên lạc được. Trước mắt, Trung tâm cứu hộ hàng hải hướng dẫn tàu này các biện pháp để cứu sinh, phát tín hiệu nhận dạng và lệnh cho tàu cứu hộ SA xuất phát lúc 7 giờ sáng nay để tìm kiếm cứu nạn tàu FuCheng 22”, Đại tá Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, đề nghị khẩn trương thống kê tình hình thiệt hại bão số 14 của các địa phương để phục vụ kịp thời công tác khắc phục hậu quả sau bão. Tại miền Bắc, đề phòng tình hình mưa của hoàn lưu bão đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt đảm bảo an toàn tính mạng người dân sau bão.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiếp tục chỉ đạo lực lượng cứu hộ cứu nạn các tàu thuyền, giúp đỡ ngư dân khắc phục hậu quả bão. Đặc biệt lưu ý việc tìm kiếm xác định tọa độ 1 tàu vận tải của Thanh Hóa, với 7 thuyền viên (chưa rõ biển số) bị hỏng máy cách đảo Hạ Mai, tỉnh Quảng Ninh 5 hải lý để có phương án cứu nạn kịp thời.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: “Cần tiếp tục nắm bắt tình hình về thiệt hại và thống kê đầy đủ hơn để phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả. Tập trung bám sát diễn biến của mưa, thông báo và đôn đốc các địa phương có nhiều hồ chứa, chủ hồ thủy lợi có nguy cơ mất an toàn vận hành điều tiết đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Đối phó với áp thấp mới hình thành đề nghị thông báo cho các địa phương ý kiến của Ban chỉ đạo đề nghị không nên để tàu thuyền ra đánh bắt xa bờ”.
Tính đến 6 giờ sáng nay (11/10), Bộ đội biên phòng tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo hướng dẫn hơn 90.000 phương tiện, với khoảng 410.000 người biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Ứng phó với việc đổi hướng của bão số 14, các khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình sơ tán, di dời gần 154.000 người; riêng tỉnh Quảng Ninh di dời trên 1.000 người già, trẻ em và trên 8.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ các tàu, thuyền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã vào nơi neo đậu, trú tránh an toàn./.