Tây Nguyên lại ồ ạt trồng sắn

Tuy mới giữa vụ hè thu nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã trồng trên 122.580 ha sắn.

Hiện nay, các tỉnh khu vực Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đang ồ ạt phát triển diện tích sắn (mỳ) không theo quy hoạch, kế hoạch không những phá vỡ quy hoạch phát triển cơ cấu cây trồng mà còn có nguy cơ dễ dẫn đến tình trạng suy thoái đất trên từng địa bàn.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chỉ riêng vụ hè thu năm nay, tuy mới giữa vụ nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã trồng trên 122.580 ha sắn. Địa phương nào cũng trồng vượt kế hoạch diện tích, trong đó, tỉnh Gia Lai có diện tích sắn nhiều nhất, với trên 50.670 ha. Tiếp đến là tỉnh Kon Tum 35.500ha, Đắk Lắk trên 24.000ha. Diện tích sắn còn lại là của tỉnh Đắk Nông.

Nguyên nhân là trong 2 năm trở lại đây, giá sắn trên thị trường tăng cao nên đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên tự ý đổ xô vào chuyển đổi cây trồng sang phát triển cây sắn.

Qua khảo sát, trong quá trình sản xuất, phần lớn, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên chỉ tập trung khai thác triệt để nguồn dinh dưỡng trong đất mà không chú trọng đến chế độ đầu tư thâm canh cũng như áp dụng các biện pháp luân, xen canh, cải tạo đất, nhất là một số diện tích trồng sắn trên các chân đất dốc gây xói mòn dẫn đến suy thoái đất.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên cần có biện pháp xử lý nghiêm túc các địa phương buông lỏng công tác quản lý để đồng bào tự ý phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép lấy đất trồng sắn. Đồng thời các tỉnh Tây Nguyên cần sớm quy hoạch cũng như ứng dụng các tiến bộ về giống, quy trình kỹ thuật luân canh, xen canh, không độc canh, quảng canh và chế độ canh tác cây sắn trên đất dốc... nhằm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trên vùng Tây Nguyên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên