Tây Tựu: Làng hoa – làng rau!

Đã hơn 1 tháng nay, người dân Tây Tựu mất ăn mất ngủ vì giá hoa ngày càng rẻ. Nhiều gia đình đã nghĩ đến việc phá những ruộng hoa đi để trồng rau.

4.000 đồng… 100 bông cúc!

Đến Tây Tựu vào một buổi chiều đầy nắng, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ đầy sắc màu của những vườn hoa nơi đây. Những ruộng cúc trắng, cúc vàng, đồng tiền… đua nhau khoe sắc. Cả cánh đồng hoa như một bức tranh rộng lớn được bao phủ bởi những gam màu tươi vui, bắt mắt.

Trái ngược với vẻ đẹp mê hoặc đó là một thực tế phũ phàng. Trong khi giá cả mọi thứ đều leo thang đến chóng mặt thì có vẻ như chỉ riêng hoa ở Tây Tựu là không tăng giá, thậm chí còn rớt thê thảm.

Dạo một vòng quanh cánh đồng hoa Tây Tựu, tôi dừng lại ở khu vực có khá nhiều người đang thu hoạch. Sau một hồi lân la làm quen, tôi hỏi bâng quơ: “Hoa đẹp thế này chắc đắt lắm các bác nhỉ?” Tất cả mọi người đều dừng tay, nhìn tôi với vẻ sửng sốt! “Chắc cháu ít khi mua hoa lắm phải không”? Một bác hỏi tôi, chất giọng trầm buồn đầy chua xót, bất giác khiến tôi giật mình.

Một bó cúc to như vậy nhưng liệu người dân bán được bao nhiêu tiền?

Tôi ngơ ngác không biết trả lời ra sao thì bác nói tiếp: “Hoa giờ rẻ lắm cháu ơi. Hoa đẹp cũng chẳng ăn thua. Nếu không phải ngày tuần thì cùng lắm cũng chỉ 4.000 đồng 100 bông cúc. Thử hỏi giá hoa như thế thì sống làm sao được?”

Tôi còn nhớ, mới đợt Tết vừa rồi, hoa đắt lắm. Mẹ tôi đi chợ Tết mà cứ kêu trời lên vì phải bỏ ra cả trăm nghìn mới mua được bình cúc chục bông. Vậy mà, giờ đây, người dân Tây Tựu có bán đến cả trăm bông cũng chưa bằng… một phần ba tiền một bông hoa ngày Tết.

Thế nhưng đâu chỉ có giá hoa cúc mới rẻ. Hoa hồng, hoa đồng tiền cũng “bi kịch” chẳng kém. Bác Lê Văn Xanh, thôn 3, xã Tây Tựu có 5 sào ruộng, trong đó có 3 sào hồng và 2 sào đồng tiền. Những tưởng năm nay giá cả mọi thứ đều tăng thì hoa cũng đắt thêm chút ít. Ai ngờ lại còn “rẻ hơn bèo”. Mọi dự định của bác vì thế cũng tan thành mây khói. Bác than thở: “Một bó hồng 50 bông cũng chỉ có 2.000 đồng. Còn đồng tiền thì rẻ đến mức cho không được”.

“Bi kịch” hoa rẻ

Năm nay, do trời nắng mưa thất thường nên hoa nở sớm lại nhanh tàn. Dù đã áp dụng các biện pháp như chụp giấy báo cho hoa nhưng tất cả chỉ mang tính tình thế.

Dạo quanh cánh đồng hoa Tây Tựu, tôi bắt gặp những ruộng hoa vàng úa, bốn bề cỏ dại mọc um tùm, thậm chí cỏ còn cao hơn hoa. Tôi ái ngại hỏi một cô đang xới đất ruộng bên cạnh thì được biết, nhiều người dân ở đây đang đang mải thu hoạch chạy hoa nở ở những ruộng khác nên chưa có thời gian chăm sóc. Cô cũng nói thêm: “Hoa rẻ quá nên người ta cũng chẳng thiết tha chăm sóc. Nếu bón thêm phân, phun sâu diệt cỏ thì chỉ càng thêm lỗ. Thôi thì cứ để như vậy còn hơn”.

Vì giá cúc quá  rẻ nên nhiều hộ trồng hoa cũng chẳng “buồn” thu hoạch

Bỏ mặc hoa không chăm sóc đã đành nhưng nhiều người dân nơi đây cũng chán chẳng buồn thu hoạch. Nhìn những ruộng cúc, đồng tiền quá lứa, cánh hoa héo uá, tơi tả mà lòng tôi thấy xót xa. Cánh hoa héo như lòng người Tây Tựu đang héo hon từng ngày.

Sau trận lụt năm 2008, hoa Tây Tựu chết nhiều vì ngập nước. Cả xã chuyển sang trồng rau xanh mong cứu vãn chút ít vốn liếng. Nhà nhà, người người nhổ hoa trồng rau. Khi đó, những ruộng rau xanh phủ kín cả cánh đồng, chen lấn hết cả hoa. Và giờ, bị kịch ấy đã lặp lại. Nhưng là vì một lý do khác: hoa quá rẻ.

Nhà anh Thắng ở thôn 2, xã Tây Tựu có 4 sào trồng hoa hồng và 3 sào đồng tiền. Trước kia, vì có hoa hồng mà anh gia đình anh mua được xe máy, hàng tháng đều đặn có tiền gửi cho con học đại học. Thấy làm ăn khấm khá, anh còn xuống Nhổn thuê thêm 3 sào ruộng nữa để mở rộng diện tích. Thế rồi, hoa mỗi lúc một rẻ, anh trả ruộng thuê và quyết định… nhổ bớt hoa trồng rau.

Anh nói, giọng đầy ngậm ngùi: “Hoa rẻ nhưng gia đình vẫn cứ cố níu kéo, mong lấy công làm lãi. Nhưng ai ngờ, tiền bán hoa còn không đủ chi phí phân bón, thuốc sâu. Vì thế, chỉ có cách là nhổ hoa trồng rau thôi. Vợ chồng tôi cũng day dứt, đắn đo lắm mới đi đến quyết định này. Dù sao cây hoa cũng gắn bó với nhà tôi từ lâu lắm rồi. Nhưng biết làm sao được. Rau bây giờ đắt hơn hoa”.

Thay vì chăm sóc hoa, nhiều nông dân đã chuyển sang… trồng rau

Tâm sự của anh Thắng cũng là nỗi lòng của rất nhiều người trồng hoa nơi đây. Phải nhổ những cây hoa mà mình đã gắn bó bao nhiêu năm, chắc có lẽ họ cũng rất đau lòng. Nhưng giá hoa mỗi ngày một rẻ. Và để duy trì cuộc sống, đồng thời tích vốn đầu tư cho những vụ hoa sau, họ đành phải làm công việc đau lòng ấy.

Hiện tại, Tây Tựu không còn là làng hoa thuần 100% nữa. Những ruộng hoa dần được thay thế bằng những luống rau mồng tơi, xà lách, cải xanh, hành… Và Tây Tự đang từng ngày biến đổi để trở thành làng kép: làng  hoa – làng rau.

Vẫn quyết tâm… “bám hoa”

Trong khi một số nông dân Tây Tựu nhổ hoa trồng rau thì rất nhiều người vẫn quyết định “bám hoa”, gắn bó lâu dài với cây hoa. Chị Lê Thị Vân, thôn 1, xã Tây Tựu chia sẻ: “Nhà tôi có mấy sào ruộng trồng hồng, cúc, nhưng dạo này hoa rẻ quá. Thấy nhiều nhà nhổ hoa để trồng rau tôi cũng thấy sốt ruột lắm. Nhưng hoa rẻ rồi sẽ có lúc lại đắt. Nhà tôi quyết định “bám hoa” đến cùng”.

Ông Đặng Thế Tân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Tựu

Trước thực trạng nhiều hộ trồng hoa ở Tây Tựu quyết định trồng rau thay hoa, Hội nông dân xã đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân. Theo ông Đặng Thế Tân – Chủ tịch Hội nông dân xã Tây Tựu thì “Hoa rẻ là do quy luật của thị trường. Trong năm, cứ đến đợt tháng 5, 6, thời tiết nắng nóng, nhu cầu chơi hoa của người dân không cao nên hoa tất yếu sẽ rẻ. Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ vốn thì Hội nông dân xã chỉ biết khuyên người dân nên kiên trì, cố gắng chờ qua giai đoạn khó khăn này; đồng thời tích cực thăm đồng thường xuyên để chuẩn bị cho vụ hoa mới”.

Nhưng chờ đến bao giờ mới đến vụ hoa mới? Và trong lúc chờ đợi ấy, người trồng hoa Tây Tựu vẫn chỉ biết kêu trời, mong sao hoa đắt thêm chút ít./.

Là một xã thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội gần 20 km, Tây Tựu được đánh giá là làng hoa lớn nhất ngoại thành Hà Nội. Diện tích hoa cả xã chiếm tới 66% diện tích trồng hoa toàn huyện Từ Liêm. Đây là khu vực trồng chuyên canh rất nhiều loại hoa, nhưng nổi tiếng nhất là hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền và hoa ly. Năm 2008, sau trận lụt kỷ lục ở Hà Nội, nhiều cánh đồng hoa ở Tây Tựu chìm trong biển nước. Sau trận lụt đó, rất nhiều gia đình đã phải nhổ hoa trồng rau. Và nhiều ruộng rau cải, xà lách, hành… mọc lên thay thế các ruộng hoa.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên