Tết nay và xưa trong tâm thức người Hà Nội

(VOV) -Quan niệm ăn Tết ngày nay cũng đã khác xưa không bó gọn trong 3 ngày Tết đi thăm, chúc Tết ông bà

Từ sau Tết Táo Quân ngày 23 tháng Chạp không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán ở mỗi gia đình đã nhộn nhịp lắm rồi. Việc chuẩn bị để ăn Tết, đón năm mới khá kỳ công. Từ 20 tháng Chạp các gia đình đã bắt đầu sắp xếp dọn dẹp nhà cửa để đón một năm mới. Quan trọng nhất là chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công, ông Táo, cúng tất niên, giao thừa và cúng tân niên vào sớm đầu tiên của năm mới. Thời nay, công việc của mỗi người đều bận rộn, điều kiện nhà cửa chật hẹp nhiều gia đình không đủ điều kiện để gói bánh chưng hay làm đầy đủ các món ăn truyền thống mà mâm cỗ Tết thường có. Thay vào đó họ tìm đến các cơ sở quen có uy tín, đảm bảo chất lượng để đặt.

Chị Tuyết  Minh

Chị Tuyết Minh ở phố Đông Tác, quận Đống Đa, Hà Nội- một người làm kinh doanh cho biết: “Mâm cỗ tất niên trong gia đình thường không thể thiếu những món ăn truyền thống như giò xào phải đặt mua từ trước, nếu cận Tết mới đặt thì không đâu nhận mà mua ngoài thì sẽ không đảm bảo. Ngoài ra, bánh kẹo, mứt và một số đồ khác cũng phải mua sắm trước bởi đến áp Tết tôi rất bận rộn”.

Quan niệm ăn Tết ngày nay cũng đã khác xưa không bó gọn trong 3 ngày Tết đi thăm, chúc Tết ông bà nội ngoại họ hàng người thân nữa. Nhiều gia đình có xu hướng đi chơi xa để nghỉ ngơi, thư giãn trong mấy ngày Tết. Tùy điều kiện từng gia đình, chuyến đi có thể là một địa điểm du lịch trong nước hay có khi ở tận nước ngoài.

“Cả một năm trời bận rộn, vất vả với công việc, những ngày nghỉ Tết là điều kiện lý tưởng để đi thăm quan nghỉ ngơi, thư giãn. Cùng với đó, các cháu được nghỉ học nên cũng dễ cho việc sắp xếp. Một vài năm gần đây, Tết nào gia đình tôi cũng mua vé du lịch nước ngoài để du xuân đầu năm. Năm nay, điểm đến đầu năm của gia đình sẽ là Malaysia”- Chị Minh vui vẻ cho biết.

“Trước đây, vào thời “tem phiếu” để chuẩn bị cho một cái Tết phải từ rất sớm, có khi cách Tết tới 3 tháng”- ông Trần Thịnh, ở ngõ Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết.

Cũng theo lời ông Thịnh khi đó cứ đến độ thu tàn vào quãng cuối tháng 9 âm lịch là hai vợ chồng ông lên kế hoạch để dành tem phiếu bằng cách đổi tem phiếu tháng này cho người khác “ăn trước” để dành cho đến tháng sau, cứ thế cho đến tháng Tết. Dùng tem phiếu tiết kiệm xếp hàng mua thịt lợn mông để gói bánh chưng, chân giò để nấu măng. “Ngay từ cái lá dong cũng phải nhanh chân xếp hàng mua sớm mới có lá đẹp bánh”. Đó là hai món chủ lực của Tết mà nhiều gia đình thời đó đến ngày 25-26 tháng Chạp chưa lo xong thì vẫn “thấp thỏm” chưa có Tết. Tiếp đến là bỏ thời gian để “săn” túi hàng Tết. Túi hàng Tết theo tiêu chuẩn được hưởng thì như nhau, nhưng mỗi khi có thông tin ở quầy hàng nào đó, trong túi hàng có gói chè Hồng Đào hoặc gói thuốc lá Điện Biên bao bạc hay Tam Đảo sợi vàng do nhà máy thuốc lá Thăng Long sản xuất (mà không phải bao thuốc của nhà máy thuốc là Hà Bắc) là ngay lập tức tới xếp hàng mua cho được. Những thứ này mua xong là trong nhà đã có không khí Tết.

Ông Trần Thịnh

Với người lớn là như vậy, còn với đám trẻ ở gia đình có chút điều kiện được bố mẹ sai mang bột mỳ, trứng, đường tới cửa hàng làm bánh. Vớ bẫm nhất lò bánh nào có người thợ nướng bánh sức khỏe yếu hay khay quay bánh khô dầu được thợ nhờ “giúp sức” sau đó trả công bằng những mẩu bánh quy gai vỡ.

Khi vật chất chuẩn bị đã tạm yên tâm. Người ta nghĩ đến “món ăn” tinh thần.

Ngoài đào, quất, mai các gia đình thường mua về trưng trong nhà vào dịp Tết. Có những người lại tìm mua những loại hoa, cây phong thủy mang lại điều may mắn trong năm mới.

Anh Nguyễn Tuấn Anh ở phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, Tết nào anh cũng có sở thích mua một vài cây hoa hải đường về trưng trong nhà. Hoa hải đường có hoa to, màu đỏ thẫm nhị vàng, lá xanh trông rất bắt mắt lại thường nở rộ vào mùa xuân nên thường được nhiều gia đình chọn làm cây trưng ngày Tết. Hoa hải đường tượng trưng cho sự mua may bán đắt, làm ăn tấn tới. 

Trong các loài hoa có rất ít loại hoa nào như hoa này, từ lúc nhú nụ cho đến khi mãn khai mất tới 6 tháng, cho nên nhiều người nói chơi hải đường là chơi nụ. Việc chăm sóc cũng phải khéo để không bị rụng nụ và để hoa nở đúng vào dịp đầu xuân.


Hải đường xuân
“Chọn chơi tranh Tết trong ngày đầu xuân, năm mới cũng là cả một sự cầu kỳ của người Hà Nội xưa. Chuẩn bị đón Tết bố tôi đạp xe lên Hàng Trống để “thỉnh một ông ba mươi” tranh lụa dân gian Hàng Trống đem về treo ở vị trí để trấn trạch trừ tà”- Anh Tuấn Anh cho biết.

Quá trình chuẩn bị cho một cái Tết của ông bà phải mất tới 3 tháng. Đơn giản như lựa chọn một con cá chép đem về làm sạch phơi gác bếp, hun khói thế nào đến Tết mang kho hoặc rán dùng ăn với bánh chưng cũng là một sự cầu kỳ của món ấm thực ngày Tết.

Theo anh Tuấn Anh những thứ mất đi của Tết xưa, chính là thứ mà giờ đây khi người ta cần là có thể chạy ra siêu thị mua là xong. “Những thứ mất đi đó chính là nét văn hóa đã trở nên không còn phổ biến nhiều trong xã hội mà con bạn, con tôi và nhiều trẻ không thể biết đến, như cái thú xúm xít xem người lớn gói bánh chưng hay việc thức khuya trông nồi bánh chưng thế nào”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ký ức Tết Hà Nội
Ký ức Tết Hà Nội

Đó là đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Mỗi dịp Tết, được sum họp gia đình, với tôi thật hạnh phúc biết mấy.

Ký ức Tết Hà Nội

Ký ức Tết Hà Nội

Đó là đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Mỗi dịp Tết, được sum họp gia đình, với tôi thật hạnh phúc biết mấy.

Tết Hà Nội xưa và nay lần thứ 5
Tết Hà Nội xưa và nay lần thứ 5

Chương trình hứa hẹn sẽ có nhiều đổi mới trong nội dung và cách thể hiện

Tết Hà Nội xưa và nay lần thứ 5

Tết Hà Nội xưa và nay lần thứ 5

Chương trình hứa hẹn sẽ có nhiều đổi mới trong nội dung và cách thể hiện