Thành lập HTX kiểu mới trồng rau hữu cơ
Mô hình HTX với sự liên kết “4 nhà” sẽ mang tới thị trường sản phẩm rau hữu cơ sạch, an toàn cho sức khoẻ và có giá trị kinh tế đối với người trồng.
Ngày 27/10, tại xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình đã diễn ra Hội nghị thành lập “Hợp tác xã (HTX) nông sản hữu cơ Lương Sơn”. Đây là mô hình HTX kiểu mới đầu tiên trên cả nước, do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn – IPSARD (Bộ NN&PTNT), phối hợp với tỉnh Hoà Bình và Công ty TNHH Kết nối Xanh (Greenlink) thành lập.
HTX nông sản hữu cơ Lương Sơn có tổ chức bộ máy gồm Ban Quản trị, Ban Kiểm soát, Tổ Chuyên môn và 13 xã viên hầu hết là phụ nữ dân tộc Mường tại địa bàn. Sản phẩm của HXT là rau hữu cơ, do các xã viên trồng và chăm sóc dưới sự giám sát, tư vấn của các chuyên gia IPSARD và được hệ thống các công ty bao tiêu sản phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội. Dự kiến, HTX sẽ sản xuất trên 77 tấn rau hữu cơ cung cấp cho thị trường mỗi năm.
Được biết, IPSARD đã thí điểm mô hình trồng rau hữu cơ tại một số xã của huyện Lương Sơn đã 3 năm nay, và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức trồng rau thông thường. Ông Nguyễn Đức Xưởng, Trưởng ban sáng lập HTX cho biết, trồng rau hữu cơ sẽ tiết kiệm được chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời tận dụng được nguồn phân xanh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cho ra thị trường sản phẩm sạch, có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, “đầu ra” cho sản phẩm được duy trì ổn định, với giá thu mua cao hơn từ 20 – 50% so với sản phẩm rau thông thường.
Trồng rau hữu cơ cho lợi ích kinh tế cao hơn rau thông thường |
Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, hiện tại, thu hút đầu tư vào Hoà Bình còn yếu và ngành nông nghiệp chưa xác định được thế cạnh tranh. Tuy nhiên, Hoà Bình lại có lợi thế là tỉnh duy nhất ven Hà Nội chưa bị biến đổi nhiểu dưới tác động của công nghiệp hoá và đô thị hoá, đặc biệt có điều kiện phát triển nền nông nghiệp sạch và sinh thái. Phát triển thành vùng sản xuất rau hữu cơ phụ vụ cho các tỉnh lân cận và Hà Nội có thể là một trong những định hướng tốt, phát huy được lợi thế của tỉnh.
Chính vì vậy, với sự liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước) trong mô hình doanh nghiệp ngành rau hữu cơ sẽ được IPSARD nhân rộng ở những mặt thành công. Mặt khác, mô hình này là bước khởi đầu để Hoà Bình xác định lợi thế so sánh của mình, nghiên cứu và đưa vào chiến lược phát triển sản xuất hàng hoá rau hữu cơ tại địa phương; đồng thời, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, để mô hình HTX này hoạt động hiệu quả, được nhân rộng và tạo thương hiệu rau hữu cơ cho địa phương, các xã viên mong muốn, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần có những chính sách khuyến khích HTX như cho vay vốn, giảm thuế khi triển khai các dịch vụ cho xã viên, hỗ trợ đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực cho HTX./.