Thanh minh - phong tục tốt đẹp của dân tộc

Thanh minh mang ý nghĩa tâm linh, nhắc nhở mọi người hướng về nguồn cội, về những người thân đã mất.

Trong suy nghĩ của người Việt, ngôi mộ với người đã khuất cũng quan trọng như ngôi nhà của người đang sống. Và như thế rất cần được chăm sóc, dọn dẹp. Ông bà ta xưa chọn Tiết Thanh Minh là ngày cắt cỏ trên mộ và đắp đất lên mộ (tảo mộ) bởi thời điểm này là mùa xuân, thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt tươi mọc um tùm, trùm lên các mộ cần phải cắt cỏ, quét dọn cho sạch sẽ. Cũng có những ngôi mộ đất do mưa nhiều nên bị sụt lở cần đắp thêm đất lên mộ cho cao ráo.

Vào tiết thanh minh người dân đi tảo mộ khá đông đảo... Đây cũng là dịp để thắp nén hương, bày chút hoa quả tưởng nhớ ông bà, tổ phụ và những người thân đã khuất. Những người đi làm ăn xa cũng thu xếp về quê dịp này để tảo mộ gia tiên, những người đi trước, nhớ về nguồn cội. Đồng thời là dịp gặp gỡ gia đình, bà con làng xóm.

Người dân đi Thanh minh ở nghĩa trang thôn Cộng Hòa, thị trấn Bần Yên Nhân, Hưng Yên

Tảo mộ không chỉ thể hiện đạo hiếu, tấm lòng luôn hướng về ông cha, tổ tiên, mà còn là dịp để giáo dục con cháu về văn hoá truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Nhân dịp đi Thanh Minh tảo mộ, để tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất, mọi người có thể dạo chơi ngắm cảnh cỏ cây tươi tốt, nên còn gọi là Đạp Thanh. Bởi thế, Nguyễn Du đã viết về Thanh minh trong Truyện Kiều như sau:

Thanh Minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh

Tuy nhiên, bên cạnh việc làm đẹp, vẫn có không ít điều phản cảm trong lễ Thanh minh tảo mộ. Đó là việc xả rác ra các mộ bên cạnh sau khi làm lễ ở khuôn viên mộ nhà mình, hóa vàng mã nghi ngút, thành những đống lửa ngùn ngụt giữa nghĩa trang, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường. Còn chưa kể một số thanh niên cười đùa ồn ã, nói năng chưa đúng mực, ăn mặc thiếu sự trang nghiêm ở nơi cần sự tôn kính này…

Bên cạnh đó, việc xây mộ cho người chết cũng còn rất nhiều điều phải bàn. Tục địa táng ở ta vẫn tiếp tục được duy trì. Quỹ đất ở các nơi không tăng lên mà ngày càng chật và ít đi. Nhưng mộ cho người chết ngày càng được xây to, đẹp hơn.  Làng làng, nhà nhà, các gia tộc đua nhau "xây nhà" cho… người chết. Mỗi mộ một kiểu, một kiến trúc độc đáo, khác người để thể hiện cái hiếu của con cháu đối với ông bà tổ phụ. Có những vùng, những làng quê cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nhưng người dân có tục lệ báo thể hiện chữ hiếu bằng việc xây lăng mộ hoành tráng cho người chết với số tiền lên đến hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ. Nhiều người cho rằng, lăng mộ càng to thể hiện sự báo hiếu lớn, đồng thời cũng để khẳng định vị thế của dòng họ mình Tình hình khan hiếm đất nghĩa trang đã đẩy giá đất cho người chết còn đắt hơn cả đất cho người sống.

Đó là chưa nói đến tục địa táng sẽ làm ruộng đất sẽ bị thu hẹp, việc ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống ảnh hưởng chính đến người đang sống…

Thiết nghĩ, báo hiếu có nhiều kiểu. Nó phải xuất phát từ chính tấm lòng, việc làm đối với người đã khuất chứ không chỉ ở giá trị lăng mộ đó to hay nhỏ, giá trị tiền đầu tư tính bằng nhiều con số không. Nó phải gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của những thế hệ đi sau tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những người đi trước.

Vài hình ảnh mùa Thanh minh 2012 tại một nghĩa trang nhỏ ở đồng bằng Bắc bộ:

Đông đảo người dân đi lễ mộ ở các nghĩa trang. Đây chính là dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp phần nào ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên.

Khu đất trống cỏ mọc um tùm chưa có mộ nhưng đã được xây rào bảo vệ như thế này không còn nhiều ở nghĩa trang trang thôn Cộng Hòa, thị trấn Bần Yên Nhân, tỉnh tHưng Yên

Nhiều khu mộ được xây trong một khuôn viên, có cổng riêng như vào làng

Kiến trúc đa dạng...

Mỗi ngôi mộ được sơn màu độc đáo riêng

… không giống nhau, mỗi mộ một hướng

Kiến trúc theo sở thích của người sống

Những ngôi mộ trong cùng gia tộc được xây cạnh nhau, có chung đồng phục

Đất ngày càng chật, những ngôi mộ được xây sát nhau nhưng không thua kém nhau về quy mô, diện tích

Những khu mộ xây đơn giản như thế này không còn nhiều

Vàng mã đốt mù mịt tùy thích, không đốt ở nơi chung

Cách đây 2 năm, khu đất bên trái còn là ruộng lúa

Với đà phát triển về quy mô và diện tích của lăng mộ như thế này, liệu sau vài năm nữa, những cánh ruộng này còn tồn tại?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên