Thành phố Hồ Chí Minh trực chiến, ứng phó dịch Ebola
VOV.VN -Với 3 hành khách đầu tiên trở về từ vùng dịch Ebola phải thực hiện cách ly trong bệnh viện, TP HCM đang là điểm nóng về phòng chống dịch bệnh này.
Ngày 19/8, khi 2 trường hợp đầu tiên trong cả nước được cách ly trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM thì vấn đề an toàn cách ly được người dân hết sức quan tâm.
Với kinh nghiệm cách ly các bệnh truyền nhiễm trong nhiều năm qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM đã làm rất tốt công việc cách ly và điều trị. Hai hành khách có triệu chứng sốt, mệt mỏi là những triệu chứng của khoảng 8 loại bệnh khác nhau, nhưng việc cách ly được thực hiện giống như một ca bệnh Ebola thực sự. Khu vực cách ly ở nơi ít người qua lại, có biển báo “Khu vực cách ly đặc biệt” và phải qua 2 cửa mới vào đến phòng cách ly. Trong mỗi phòng đều có máy chụp X-quang tại chỗ. Bệnh viện đã chuẩn bị 100 bộ quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế và đang liên lạc với các chuyên gia nước ngoài để có thể tự thực hiện các xét nghiệm phát hiện sớm virus Ebola.
Theo bác sĩ Lê Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM từ trước đến nay, các bệnh về đường hô hấp đều được bệnh viện đảm bảo được, và tiền lệ chưa có nhân viên y tế nào lây nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm. Thậm chí, nếu xảy ra dịch bệnh nguy hiểm thì có phòng cách ly áp lực âm dành riêng cho trường hợp bệnh nhân nặng lây qua đường không khí.
Đó là việc cách ly và điều trị tại bệnh viện, còn tại cộng đồng thì trước những tình huống khẩn cấp, hệ thống y tế cơ sở đã có sự chuẩn bị chu đáo và ứng phó kịp thời. Ngay khi nhận được danh sách hành khách thuộc diện phải được giám sát y tế tại địa phương, các nhân viên trạm y tế phường Linh Trung, quận Thủ Đức lập tức tìm đến tận nơi cư trú của hành khách để hướng dẫn ghi chép phiếu theo dõi sức khỏe, tư vấn về các triệu chứng của Ebola cũng như để lại số điện thoại liên lạc khi cần thiết... Đội phòng chống dịch ở địa phương cũng chuẩn bị sẵn phương án và trang thiết bị, hóa chất, quần áo bảo hộ…
Anh Bùi Ứng Kháng, nhân viên phòng chống dịch, Trạm y tế phường Linh Trung, quận Thủ Đức, cho biết: Khi nào phát hiện bệnh nhân có biểu hiện bất thường như đau đầu, nôn ói, tiêu chảy, nhân viên phòng chống dịch sẽ gọi ngay vào số điện thoại cần thiết. Nếu bệnh nhân sốt, nhân viên phòng chống dịch sẽ xuống tiếp cận bệnh nhân, chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, đồng thời khử khuẩn nhà cửa, giám sát người nhà trong vòng 21 ngày, thậm chí đưa ra điểm cách ly.
Tuy nhiên, vì lần đầu tiên phải đối phó với nguy cơ dịch bệnh Ebola, y tế địa phương đã bộc lộ những lúng túng trong những tình huống cụ thể. Cụ thể, để thực hiện cách ly người nghi nhiễm Ebola tại địa phương, có nơi cho biết sẽ huy động cả lực lượng công an, dân phòng hạn chế tối đa sự đi lại của người bị cách ly hoặc với tình huống người cần giám sát chuẩn bị rời khỏi địa phương thì cán bộ y tế cơ sở không biết phải xử trí thế nào.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM lưu ý phải hết sức cẩn trọng và phải chống dịch theo quy trình. “Biện pháp đầu tiên khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ nhiễm Ebola phải gọi điện thoại thông báo ngay cho cấp trên, tuyệt đối không xông ngay vào trận tuyến, nếu đến thì phải mặc áo bảo hộ. Công tác phòng lây nhiễm cho cán bộ y tế phải đặc biệt chú trọng, phải xin ý kiến, tuyệt đối không tự làm”, PGS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Hiện tại, TP HCM chưa xây dựng quy trình chuẩn giám sát, cách ly trường hợp nghi nhiễm Ebola tại địa phương, vì thế mỗi quận huyện tự xây dựng các kịch bản phòng chống Ebola dựa vào kinh nghiệm từ việc chống cúm ở những năm trước. Đây là điều không hợp lý, vì mỗi dịch bệnh có đặc điểm khác nhau nên việc chống dịch không thể giống nhau được. Đặc biệt, y tế cơ sở phải chủ động phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc Ebola.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố lưu ý: “Chế độ thông tin báo cáo rất quan trọng. Ở địa phương phải có trách nhiệm phát hiện để báo cáo lên cấp trên. Tôi đề nghị phải có sự tham gia của chính quyền, Ủy ban hỗ trợ để thực hiện khuyến cáo y tế đặc biệt là những đối tượng cần giám sát”.
TP HCM đã có những ứng phó kịp thời trong phòng chống dịch Ebola, nhưng để làm tốt công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng, đặc biệt là sự vào cuộc của lực lượng công an để có thể cưỡng chế cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh khi cần thiết. Bên cạnh đó cần có chế độ đãi ngộ đặc biệt với các nhân viên y tế trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này./.