Tháo gỡ bất cập trong tuyển chọn, lai tạo hạt giống lúa, ngô

Nếu sớm tháo gỡ được những bất cập trong việc chọn tạo giống nông sản thì ngành Nông nghiệp sẽ sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Việt Nam là quốc gia có giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hạt tiêu, điều… được xếp vào hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, công tác tuyển chọn, lai tạo và sản xuất giống lúa gạo, ngô của ta chưa được như mong đợi.

Là một cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới nhưng chất lượng gạo của Việt Nam chưa cao, chưa tạo được thương hiệu như một số nước khác. Nguyên nhân là do công tác nghiên cứu giống lúa của nước ta còn nhiều hạn chế, thóc giống chủ yếu do người dân tự tích trữ, sau vài năm lúa giống cũng bị thoái hóa. Mặc dù lượng giống sản xuất trong nước có chất lượng tốt nhưng việc bảo quản còn nhiều hạn chế. Trong khi sự gia tăng của biến đổi khí hậu đòi hỏi các bộ giống thích ứng với tình hình này.

Bên cạnh đó, ngành công nghệ hạt giống gần như chưa có, mặt kỹ thuật, chất lượng hạt giống chưa được quan tâm. Giống lúa sản xuất trong nước chỉ chiếm 20-25%, còn lại là nhập khẩu từ Trung Quốc. Giống ngô lai trong nước cũng chỉ chiếm 60% thị phần.

Để giải bài toán về công tác tuyển chọn và lai tạo, sản xuất giống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt nhiều đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, để tăng cường kinh phí cho nghiên cứu giống lúa mới, Nhà nước nên trích tiền từ xuất khẩu gạo, bổ sung cho kinh phí nghiên cứu. Nếu sớm tháo gỡ được những bất cập trong việc chọn tạo giống lúa ngô nói riêng và giống nông sản nói chung thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên