Thị trường sữa năng lượng cao: Thật giả lẫn lộn
(VOV) - Dùng các sản phẩm chứa chất béo thẩm thấu nhanh, độ ngọt cao sẽ phá huỷ hệ tiêu hoá của trẻ.
Câu chuyện nhập nhèm chất lượng sữa bột thời gian qua đã khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng khi chọn tìm mua sữa cho trẻ. Phóng viên VOV online đã tham khảo ý kiến bác sĩ Phạm Gia Khải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Nam.
Bác sĩ Phạm Gia Khải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Nam |
Ông Khải cho biết: Sữa bột, bột dinh dưỡng, vitamin, ngũ cốc… là nhóm thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Trong nhóm này, bột dinh dưỡng được làm từ ngũ cốc như lúa mì, ngô, gạo và bổ sung các loại vitamin. Sữa bột được làm từ sữa tươi bay hơi nước. Trong quá trình làm bay hơi nước, nhà sản xuất bớt đi một số thành phần không phù hợp với trẻ em, một số thành phần dinh dưỡng mất đi hoặc do chất lượng sữa không tốt, nhà sản xuất bổ sung thêm vitamin.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tiêu chuẩn sữa bột phải có hàm lượng đạm đến 34% thì mới được gọi là sữa. Nhưng trong sữa mẹ, chất béo cũng không được 34%. Nếu đạt theo tiêu chuẩn này trẻ em dưới 1 tuổi không dùng được, vì nó sẽ dẫn đến suy thận. Thông thường sữa bột dành cho trẻ dưới 1 tuổi hàm lượng đạm từ 12-19%.
Sữa bột vướng theo tiêu chuẩn của WHO, nếu không đạt độ đạm 34% thì không được gọi là sữa bột. Nhưng bản chất của nó là sữa, chứ không phải bột dinh dưỡng.
“Ở xã hội văn minh, mọi người ngầm quy ước với nhau đây là sữa, không gọi là bột dinh dưỡng. Nhiều công ty nhập khẩu sữa, đưa ra quảng cáo là sữa, nhưng khi đăng ký nhập khẩu với cơ quan chức năng đưa vào nhóm bột dinh dưỡng để không bị quản lý về giá. Chúng ta không nên đăng ký một đằng, làm một nẻo làm cho người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin vào các công ty nhập khẩu” – ông Khải nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, sữa bột được đóng trong lon, làm sao để người tiêu dùng nhận biết được đâu là sữa chất lượng tốt? Bác sĩ Phạm Gia Khải cho biết: Thực ra, nếu để ý và xem xét kỹ người tiêu dùng sẽ nhận biết được chất lượng sữa, mặc dù đã đóng trong lon. Khi mua sữa, chúng ta nên lắc lon sữa đó. Nếu chất lượng tốt, lượng sữa trong lon sẽ đầy, sữa khô, tơi, xốp, nghe thấy tiếng rào rào nhẹ, điều này chứng tỏ sữa không có đường.
Nếu để ý và xem xét kỹ, người tiêu dùng sẽ nhận biết được chất lượng sữa |
Nếu lượng đường nhiều, sữa sẽ không đầy lon, vì đường bao giờ cũng nặng hơn sữa, giá thành của đường thì rẻ hơn sữa rất nhiều. Nhà sản xuất trộn thêm đường cho nặng cân, tăng độ ngọt để trẻ thích uống. Nhiều bà mẹ, thấy con thích uống những loại sữa ngọt thì hào hứng mua về. Theo tôi, đây là một việc làm rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
Đối với các loại được quảng cáo là sữa cao năng lượng cho trẻ em suy dinh dưỡng và người già ốm yếu, ông Khải cho rằng, theo tiêu chuẩn do Tổ chức Nông Lương Quốc tế (FAO) và WHO đưa ra, hàm lượng chất béo sữa đạt từ 26-42%, độ ẩm ≤ 5%, hàm lượng protein trong sữa đã loại chất béo ≥ 34%.
Một số sản phẩm sữa cao năng lượng trên thị trường Việt Nam chỉ đạt tiêu chuẩn về độ ẩm, vì vậy các sản phẩm đó là bột bổ sung cao năng lượng. Các thành phần chủ yếu tạo ra bột bổ sung cao năng lượng là các chất béo thẩm thấu nhanh. Chúng được chiết xuất, tinh chế, phân lập từ dầu dừa, dầu cọ…
Những chất béo này sẽ làm các nhung mao và vi nhung mao của đường ruột thoái hoá, không phát triển, từ đó phá huỷ các enzyme và hệ thống vận chuyển các chất dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hoá.
Trẻ em có hệ tiêu hoá đang phát triển, nếu dùng các sản phẩm chứa chất béo thẩm thấu nhanh, độ ngọt cao, sẽ phá huỷ hệ tiêu hoá của trẻ, tăng nguy cơ tiểu đường, tim mạch, trẻ sẽ suy dinh dưỡng, còi xương không thể hấp thu được dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất.
Người già, người ốm khi dùng các sản phẩm này, sau một thời gian hệ tiêu hoá cũng sẽ bị phá huỷ, dẫn tới giảm hấp thu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất./.