Thịt lợn “bẩn”, quản thế nào?

Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng hoang mang trước thông tin thịt lợn trên địa bàn Hà Nội được tẩm ướp hóa chất để biến thịt ôi, thối thành thịt tươi.

“Phù phép” thịt ôi thành thịt tươi

Chiều 17/5, chị Nguyễn Thị Hải ở Hà Đông (Hà Nội) ra chợ Vồ, Quang Trung, Hà Đông mua thức ăn. Trông thấy sườn rất tươi ngon nên chị mua về rửa sạch cho vào ngăn đá để nấu cho con ăn dần. Sáng 19/5, chị lấy sườn từ tủ lạnh ra rã đông, sau khi rã đông, mở túi ra thì chị thấy rất nhiều dòi trong miếng sườn. Quá kinh hãi, chị đã vứt miếng sườn đi. Chị Hải bức xúc: “Mình mua thực phẩm cho con, đều chọn những đồ tươi ngon, không ngờ lại thành ra thế này. Chắc chắn là chỗ sườn này phải để lâu rồi và được sử dụng các chất bảo quản nên mới thế”.

Còn chị Hồng ở Đông Anh (Hà Nội) kể: "Tôi đã một lần tận mắt chứng kiến một người bán thịt lợn “phù phép” một miếng thịt lợn bị ôi bằng cách lấy bột gì đó màu trắng bôi lên miếng thịt và ngay lập tức, miếng thịt trông tươi rói lại có cả tia máu. Từ đó, tôi cạch chẳng dám ăn thịt lợn nữa".

Trước thông tin này, phóng viên VOV tiến hành khảo sát một số chợ trên địa bàn Hà Nội. Lân la tìm hiểu thông tin tại chợ Thái Thịnh, chúng tôi được chị Hồng, một người chuyên bán thịt lợn ở đây cho biết: "Tôi có nghe mọi người truyền tai nhau là dùng một loại bột màu trắng để ướp thịt thì sẽ kéo dài được thời gian bảo quản, làm mất mùi hôi, thối và hạn chế mất màu. Với thứ hoá chất này, thịt có thể giữ tươi cả tuần mà không hề có mùi. Nếu thịt ế, trước khi đem bán khoảng 60 phút, chỉ cần pha một thìa bột trắng, quấy vào chậu nước, sau đó cho thịt vào ngâm khoảng 5-7 phút rồi vớt ra, rửa sạch bằng nước lã, thế là hết mùi, miếng thịt lại mềm mại và có màu đỏ hồng như thịt mới, để cả tuần cũng không bốc mùi".

Theo khảo sát của chúng tôi, chất bột trắng này còn được dân hàng thịt gọi là chất “tẩy đường”. Hiện nay, hóa chất này được bày bán công khai trên thị trường với giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Đây là thứ bột màu trắng, không mùi, không vị, không nhãn mác và cả người mua lẫn người bán đều không biết rõ tác hại của nó như thế nào. 

Miếng sườn có dòi mà chị Hải đã mua về (ảnh do chị Nguyễn Thị Hải cung cấp)

“Bột trắng” có độc?

Trao đổi với chúng tôi về chất bột màu trắng mà người bán sử dụng để tẩm ướp thịt lợn, các chuyên gia về phụ gia thực phẩm cho rằng, có lẽ trong trường hợp này người bán đã sử dụng muối Natri Sunfit (Na2SO3 hay còn gọi là Sunfit Natri) có màu trắng để rửa thịt. Loại muối này khi nhúng thịt vào khoảng 15 phút rồi vớt ra thì miếng thịt hoàn toàn khác với ban đầu. Phần da trắng sáng, phần mỡ trắng tinh, còn phần nạc hồng đỏ lên.

Về tác hại của Natri Sunfit, theo các chuyên gia, đối với thỏ nếu sử dụng 1 - 3g Natri Sunfit/ngày, trong thời gian từ 127 - 185 ngày, sẽ có hiện tượng sút cân, chảy máu dạ dày. Với chuột cống trắng, liều lượng 0,1% sẽ ức chế sự phát triển, do phá hủy vitamin B1. Độ độc hại của Natri Sunfit phụ thuộc vào nồng độ, hàm lượng và tốc độ giải phóng Sunfua dioxit (SO2). SO2 là chất được dùng trong công nghệ chế biến thực phẩm với mục đích kéo dài thời gian bảo quản và chống vi khuẩn xâm nhập. Nhưng trước khi thực phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng thì SO2 phải được tách khỏi thực phẩm. Riêng đối với thịt thì không được dùng vì nó chủ yếu là để che giấu độ hư hỏng của thịt, chứ không phải hạn chế sự hư hỏng đó. Người ăn nhiều thực phẩm có chứa SO2 sẽ bị loét nội tạng như thành ruột và các cơ quan tiêu hoá khác. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là mờ mắt.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, thịt để lâu có sự thay đổi về cấu trúc chất. Các protein bị phân hủy và lên men tạo thành SO2 và H2S (Hydro sunfua) nên có mùi thối. Cũng vì để lâu nên bề mặt thịt sản sinh ra lượng vi sinh lớn gây nhớt và hôi. Đặc biệt, thịt để lâu ngày sẽ phân hủy và tạo nên các chất độc, trong đó có nhóm vi khuẩn chứa độc tố mạnh là Clostridium botulinum, rất độc cho người ăn.

Chất SO2 là chất khí và có tác dụng khử mạnh. Chất này thường được sử dụng trong công nghiệp và cũng được dùng trong bảo quản thực phẩm nhưng với điều kiện, sau khi bảo quản sẽ được sục để khí này bay đi hết. Tuy nhiên, do là chất khí nên khó sử dụng, vì thế, nhiều hộ kinh doanh gian dối đã sử dụng loại muối Natri Sunfit có màu trắng để rửa thịt. Nếu người tiêu dùng ăn phải sản phẩm có tồn dư chất này, SO2 sẽ phản ứng ô xy hóa với các chất trong cơ thể và gây độc. SO2 bị cấm dùng cho trẻ em.

Ở Hà Nội, hiện nay việc đóng dấu, kiểm dịch tập trung chủ yếu ở các chốt kiểm dịch ra vào thành phố và tại một số lò giết mổ tập trung, tư nhân. Công tác hậu kiểm cũng được triển khai tại các chợ do lực lượng thú y thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù kiểm dịch hay hậu kiểm thì công cụ chủ yếu bằng “mắt thường”. Cơ quan chức năng muốn phát hiện dư lượng các chất tăng trọng, hóa chất trong thịt thì phải lấy mẫu gửi trung tâm giám định mới có kết quả. Trong thời gian chờ kết quả thì lượng thịt “bẩn” này đã được tiêu thụ hết. Với cách quản lý như hiện nay, sẽ dẫn đến tình trạng rất nhiều thịt “bẩn” trôi nổi trên thị trường chưa được kiểm soát và đang đe dọa tính mạng của mỗi người dân qua từng bữa ăn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên