Thời tiết thất thường, trẻ em nhập viện ồ ạt
(VOV) - Thời tiết thay đổi thất thường, cộng thêm bố mẹ cho con đi chơi nhiều khiến nhiều trẻ phải đến bệnh viện sau Tết.
Từ mùng 7 Tết, khu vực khám của các bệnh viện nhi tại TP HCM đã chật bệnh nhân. Hầu hết các bé đều mắc chứng ho sốt kéo dài hoặc rối loạn tiêu hóa.
Đông hơn cả là Bệnh viện Nhi Đồng 1, phụ huynh đưa trẻ đến khám tấp nập từ sáng sớm cuối tuần qua. Thống kê trong ngày mùng 9 Tết cho thấy có gần 5.000 trẻ đến khám, trong đó phần lớn mắc bệnh hô hấp. Hiện bệnh viện có khoảng 1.000 trẻ nằm viện điều trị, dẫn đầu vẫn là khoa Hô hấp và Tiêu hóa.
"Bệnh thường thấy là chứng viêm hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, hen suyễn, viêm phổi. Không ít trẻ bệnh kéo dài trong mấy ngày Tết nhưng phụ huynh ngại không đưa đến bệnh viện nên bệnh trở nặng hơn", một bác sĩ khoa Hô hấp cho biết.
Cảnh trẻ chờ khám bệnh sáng 18/2 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Ảnh: Vnexpress) |
Bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu Hóa cho biết, tuy không tăng vọt về số ca nhập viện song vẫn có khoảng 130 trẻ đang điều trị nội trú.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ sáng ngày 18/2 đến sáng nay, bệnh nhi từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM cũng ồ ạt đến. Thống kê cho thấy, từ ngày 16/2, mỗi ngày bệnh viện có khoảng hơn 3.000 lượt trẻ khám.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, từ trong Tết, lượng trẻ nhập viện do tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa đã tăng dần lên. Đến nay, số trẻ mắc bệnh tiêu hóa dẫn đầu về số ca điều trị nội trú.
Theo nhận định của các bác sĩ, kinh nghiệm cho thấy số ca bệnh sẽ còn tăng hơn trong vài tuần tới. Độ tuổi thường đổ bệnh hô hấp sau Tết là chủ yếu là trẻ đến trường (nhiều nhất ở tuổi mầm non) do các bé thay đổi nếp sinh hoạt. Bệnh tiêu hóa vẫn có nguy cơ tăng do chế độ ăn uống trước, trong và sau Tết khác nhau.
Để phòng bệnh tiêu hóa cho trẻ, bác sĩ Thạch khuyên phụ huynh nên chú ý không cho trẻ dùng những loại thức ăn, bánh mứt còn thừa lại sau Tết, tránh dùng những loại thức ăn hâm đi hâm lại nhiều lần. Với bệnh hô hấp, khi thấy trẻ ho hoặc sốt kéo dài thì nên đưa đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì cho rằng, ngoài các bệnh trên, phụ huynh cũng phải lưu ý đến bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng. "Đây không phải là mùa cao điểm của hai bệnh này nhưng có trường hợp bệnh nặng. Phụ huynh không nên chủ quan trước các triệu chứng trẻ sốt kéo dài trên 2 ngày", bác sĩ Hùng nói.
Tại Hà Nội, trẻ nhỏ cũng ồ ạt nhập viện vì viêm phổi. Nếu như trước Tết, mỗi ngày khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chỉ khám 10-20 trẻ thì từ mùng 1 Tết đến nay đã tăng lên 50-100 trẻ. Trong đó có đến quá nửa vì viêm phổi.
Theo các bác sĩ, mọi năm Tết thường ít bệnh nhân thì năm nay ngược lại, bệnh nhân vừa đông lại vừa nặng. Vì thế, bác sĩ phải liên tục luân chuyển cho những trẻ nhẹ hơn ra viện sớm để tiếp nhận ca nặng mới.
Ngồi trông con trai mới 2 tháng tuổi, đến bây giờ chị Anh Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) mới thở phào nhẹ nhõm khi bệnh con đã đỡ nhiều. Từ mùng 2 Tết, chị thấy con ho nhưng nghĩ không có gì nghiêm trọng. Đến chiều, gia đình còn đưa con sang nhà nội chơi, không ngờ đến tối bé bắt đầu thở khò khè. Đến ngày hôm sau thì bé bắt đầu ho nhiều, bú ít, thở bằng bụng, có lúc tím tái cả người.
"Đến sáng mùng 4 Tết, tôi phải cho con nhập viện. Bác sĩ bảo cháu bị viêm phổi nặng phải giữ lại viện điều trị. Thực sự đây là lần thứ 2 nuôi con nhỏ, tôi cũng không nghĩ là bệnh của con có thể chuyển biến nhanh thế", chị Anh Minh chia sẻ.
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: "Trước Tết chúng tôi đã tiên lượng là trẻ ốm nhiều, nên ngay từ trong Tết đã phải tăng cường nhân viên y tế trực. Tuy nhiên, cũng không ngờ là năm nay trẻ ốm nhiều như thế. Dù được nghỉ Tết 9 ngày, nhưng ngay từ mùng 6 cả khoa đã đi làm".
Theo phó giáo sư Dũng, trẻ nhập viện chủ yếu là bị các bệnh viêm đường hô hấp trên, nặng hơn thì viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Số trẻ dưới 1 tuổi bị biến chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản rất nhiều. Hay gặp nữa là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, lỵ.
"Đáng chú ý, một số trẻ bệnh chuyển nặng do đến muộn. Trong Tết cha mẹ còn nghe ngóng xem tình hình con thế nào, đến lúc nặng, bần cùng mới chịu đi viện", phó giáo sư Dũng nói.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do trong những ngày Tết ở miền Bắc thời tiết thay đổi thất thường, lúc nóng, lúc lạnh, trẻ rất dễ ốm, cộng thêm việc bố mẹ cho con đi lại nhiều. Có trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá, khói hương nồng nặc... cũng là nguyên nhân gây mắc bệnh.
Để phòng bệnh cho trẻ trong thời gian này, bác sĩ Dũng khuyến cáo, cha mẹ cần giữ môi trường xung quanh cho trẻ, đặc biệt là phòng ngủ. Những hôm trời nồm, độ ẩm cao, tường nhà ướt thì nên chống nấm mốc, lau chùi nấm mốc trên tường. Gia đình nào có điều kiện thì chạy điều hòa ở chế độ khô làm đổ ẩm trong nhà không quá cao. Trước khi mặc quần áo, quấn tã cho con thì nên là khô vì quần áo thường bị ẩm. Đặc biệt chú ý rửa tay sạch sẽ, cũng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu./.