Thông tuyến sau vụ sạt lở tại Đèo Chẹn, Sơn La
VOV.VN -Tuy nhiên, hiện tại khối lượng đất, đá trên mái taluy còn rất lớn và vẫn đang tiếp tục sụt trượt xuống khiến giao thông gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến vụ sạt lở nghiêm trọng gây tắc đường nhiều giờ tại khu vực Đèo Chẹn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La ngày 17/3, các đơn vị đảm bảo giao thông đã tiến hành thông tuyến, đến nay, tuyến đường này đã được lưu thông. Tuy nhiên, hiện tại khối lượng đất, đá trên mái taluy còn rất lớn và vẫn đang tiếp tục sụt trượt xuống đường dẫn đến việc đảm bảo giao thông gặp rất nhiều khó khăn.
Điểm sạt lở xảy ra vào chiều 17/3 (tại vị trí Km 450+100) thuộc Đèo Chẹn, xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên. Đây là Đèo cao, dài và nguy hiểm thứ 2 ở tỉnh Sơn La, chỉ sau đèo Pha Đin. Tháng 10/2012, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 (giai đoạn 2), đoạn Gia Phù - Cò Nòi (từ Km391 đến Km464). Trong đó giai đoạn 1 đã đầu tư cải tạo, nâng cấp đoạn từ Km446 đến Km454+500 (qua đèo Chẹn).
Công trình được khởi công từ tháng 7/2013, đến nay đã thi công cơ bản hoàn thành khối lượng nền đường, hiện đang khẩn trương thi công mặt đường và công trình để đảm bảo tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6/2016.
Trong quá trình triển khai thi công, do ảnh hưởng của mưa lũ năm 2014, trên mái taluy dương của đoạn tuyến từ Km450+082-Km450+158 xuất hiện vết nứt cách đỉnh mái taluy 20m với chiều dài khoảng 80m.
Ngày 14/3/2015, tại Km450+100 đã xảy ra sụt trượt đất, đá trên mái taluy dương xuống nền đường với khối lượng và kích thước khoảng 1.000m3, trong đó có 3 khối đá tảng mỗi khối khoảng 25m3, gây ách tắc giao thông từ 7h35 - 19h15 cùng ngày.
Ngày 17/3/2015, cũng tại vị trí này (Km 450+100) tiếp tục sụt trượt taluy dương với khối lượng đất đá khoảng 5.000m3 gây ách tắc giao thông từ 13h - 20h20 cùng ngày. Đây là điểm sụt với khối lượng đất, đá lớn và rất nguy hiểm, hiện khối lượng còn nằm trên mái ta luy khoảng 35.000m3 và vẫn đang tiếp tục sụt trượt xuống nền đường.
Sở Giao thông- Vận tải Sơn La đã chỉ đạo nhà thầu thi công hót toàn bộ khối lượng đất, đá sụt lở trên đường, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí nhân lực, máy móc thiết bị gác trực để đảm bảo giao thông. Đồng thời chỉ đạo đơn vị tư vấn lập hồ sơ xử lý báo cáo Bộ GTVT xin chủ trương giải quyết đảm bảo ổn định lâu dài./.