Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt
Đây là quy định tại Thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng vừa ban hành
Ngày 14/4, liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch số 50/2010/TTLT-BTC-BXD hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
Thông tư này áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (sau đây gọi chung là lĩnh vực xây dựng).
Theo đó, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng sau khi nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước được sử dụng để thanh toán chi phí hợp lý, hợp lệ và hỗ trợ kinh phí cho công tác xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Chi phí hợp lý, hợp lệ trong công tác xử phạt vi phạm hành chính gồm: Chi phí xác minh, bắt giữ vi phạm hành chính; chi phí mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền phạt và tối đa không quá 5 triệu đồng; các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc xử phạt vi phạm hành chính.
Nội dung và mức chi hỗ trợ cho công tác xử phạt vi phạm hành chính gồm: tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực xây dựng; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức và người trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động; sơ kết, tổng kết, khen thưởng cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; hỗ trợ cho các cá nhân bị thương, bị chết, tai nạn khi tham gia xử lý vi phạm; chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, mức chi không quá 1 triệu đồng/người/tháng; chi tiền làm ngoài giờ; chi bồi dưỡng cho thanh tra viên, mức chi bồi dưỡng bằng 10% mức lương tối thiểu do nhà nước quy định; chi phí mua sắm, sửa chữa công cụ, phương tiện phục vụ công tác xử lý vi phạm; chi hỗ trợ cho các đơn vị liên quan phối hợp trong tác xử lý vi phạm; các khoản chi khác phục vụ công tác xử lý vi phạm….
Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn cụ thể về thanh toán chi phí hợp lý, hợp lệ và hỗ trợ kinh phí cho công tác xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; hạch toán, quyết toán kinh phí được thanh toán và hỗ trợ từ nguồn tiền phạt vi phạm hành chính.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký./.