Tìm thấy loài rái cá quý hiếm nhất châu Á
Theo anh Trần Quang Phương, cán bộ nghiên cứu thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, người tham gia chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê tại Đồng bằng sông Cửu Long, đây là loài rái cá quý hiếm nhất châu Á, có tên trong Sách đỏ Việt Nam
Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê tại Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện được nhờ sự tài trợ của Chương trình Lãnh đạo Bảo tồn thuộc BP (BP Conservation Leadership Program), Vườn thú Houston và Vườn thú Minnesota (Hoa Kỳ) tổ chức.
Anh Phương kể: Rái cá lông mũi (tên khoa học: Lutra sumatrana) là loài rái cá quý hiếm và ít được biết đến nhất trong số 13 loài rái cá trên thế giới. Có rất ít thông tin về loài này vì vậy hiện tại chúng được liệt vào dạng: Thiếu số liệu trong Sách đỏ thế giới và là loài có tầm quan trọng bảo tồn quốc tế. Trong Sách đỏ Việt Nam (2007), rái cá lông mũi cũng được liệt vào loài Nguy cấp. Vào thập niên 1990, rái cá lông mũi được coi là loài đã bị tuyệt chủng trên thế giới. Tại Việt Nam, ghi nhận gần đây nhất về loài rái cá này là do Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật tiến hành vào năm 2000 tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng.
Như vậy, bẵng đi 8 năm, chưa hề thấy xuất hiện rái cá lông mũi. Thực hiện chương trình, các nhà khoa học đã nhiều lần rong ruổi trên mọi miền đất nước để “truy tìm” dấu vết loài rái cá quý hiếm này. Điểm đến mà họ lựa chọn gần đây là rừng U Minh Hạ. Mấy tháng trời, họ “nếm mật nằm gai” trong rừng. “Bẫy ảnh” được giăng khắp nơi mà chưa thành công. Anh Phương “bật mí”: Bẫy ảnh là loại máy ảnh hiện đại, đặt trong rừng, có tia la-de cảm ứng. Khi động vật đi qua, cảm ứng nhiệt giúp máy tự động ghi hình con thú vào máy. Ấy vậy mà bao ngày đêm “rình rập”, hình ảnh lưu lại trong ống kính dù rất phong phú: cầy hương, mèo rừng, chuột, kỳ đà… Tuy nhiên, chưa hề thấy dấu vết rái cá lông mũi.
Cho đến một đêm gần đây… Anh Nguyễn Văn Nhuận, cán bộ nghiên cứu thực địa thuộc Chương trình Bảo tồn Thú ăn thịt và Tê tê cho biết: “Chúng tôi đi soi trong rừng đêm im vắng. Tôi đi cùng một chuyên gia nước ngoài. Đêm khuya, rừng mênh mông, gặp nhiều loài thú quen thuộc, chúng tôi đã định ra về thì tôi giật mình nhìn thấy hai “bóng đen” lạ mắt. Hình như rái cá lông mũi? Tôi giụi mắt… Mình đen, mắt sáng, có lông dài ở mũi. Chúng tôi chực reo lên. Trời ơi! Rái cá lông mũi. Hai con rõ mồn một. Chúng chỉ đứng cách tôi chừng hơn 2m. Đây thực sự là một cơ hội hiếm có khi bắt gặp một loài thú quý hiếm như vậy. Sau vài giây xúc động, chúng tôi kịp lấy máy ảnh kỹ thuật số và ghi nhanh được hình ảnh về chúng. Chỉ được vài kiểu, thấy đèn la-de, chúng lủi nhanh vào rừng…”.
Theo anh Nguyễn Văn Nhuận, rái cá lông mũi rất khó bắt gặp trực tiếp và hầu hết chúng hoạt động vào ban đêm. Chúng ăn cá, ếch nhái, các loài bò sát và côn trùng. Sự tồn tại của chúng có mối quan hệ cực kỳ quan trọng đối với môi trường sống của chúng bao gồm các khu vực rừng đất than bùn và rừng ngập nước theo mùa. Việc phát hiện loài rái cá lông mũi trong khu vực này là một cơ sở vững chắc cho những đề xuất bảo tồn đối với Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Cần xây dựng một phương hướng bảo vệ tốt nhất cho loài rái cá lông mũi…/.