Bố mẹ làm gì khi con yêu sớm?
VOV.VN - “Làm gì khi con yêu sớm” là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh đang gặp phải và cũng hết sức bối rối khi chưa biết phải làm gì.
Xã hội phát triển, việc các con dậy thì sớm, có cảm xúc với bạn khác giới hoặc yêu sớm cũng không lấy làm lạ. Tuy nhiên khi đối mặt với việc con yêu sớm, phản ứng của phụ huynh cũng khác nhau, người bình tĩnh, người chấp nhận và nhiều cha mẹ “sốc tâm lý”.
Khi phát hiện con mình có tình cảm với người khác giới, lập tức bố mẹ sẽ tìm các biện pháp ngăn cản, giảng giải đủ bài về tác hại của việc yêu sớm, vừa đánh vừa xoa, mềm có, rắn có. Nhưng các bố mẹ đâu biết rằng nếu họ quan tâm con cái mình hơn, chú ý quan sát, chuyện trò, tâm sự cùng con từ rất sớm, chưa chắc đã sốc và căng thẳng như vậy.
Hùng là con trai của cô tôi với người chồng thứ 2. Hùng sinh ra cũng được bố mẹ nâng niu, chăm sóc, chiều chuộng như bao đứa trẻ khác. Chỉ có điều khi lớn lên, bố mẹ mải việc, ít có thời gian quan tâm, Hùng phát triển như cây dại. Vào cấp 2, Hùng đã có tình cảm với bạn khác giới và tự hào khoe với tất cả mọi người về mối quan hệ này. Thời gian đầu, bố mẹ nghĩ con mình còn nhỏ nên chắc thích theo kiểu cảm tính nên cũng chỉ cười mỗi khi cậu con trai nói về chuyện yêu đương. Rồi chuyện tình cảm của Hùng ngày một phức tạp, mỗi năm một lớp cũng tương ứng với mỗi năm là một câu chuyện tình. Không chỉ thích bạn cùng lớp, Hùng còn quay sang yêu cả những chị lớp trên, có khi cùng trường nhưng có khi lại ở xa tít tắp.
Đỉnh điểm đến năm học lớp 9, Hùng yêu một bạn hơn 2 tuổi. Tình yêu tuổi học trò nếu đi đúng hướng sẽ rất đẹp và lãng mạn. Nhìn Hùng không ai nghĩ là cậu vừa học xong lớp 9 bởi ở cậu toát lên sự chững chạc của chàng trai trưởng thành. Hùng và người yêu đã đi quá giới hạn và quá cả sự bao bọc của bố mẹ. Lúc này nhìn cậu con trai mê đắm với chuyện tình cảm, người mẹ chỉ biết thở dài và mong con không lầm đường lạc lối, không bỏ học cấp 3 vì chuyện yêu.
Câu chuyện của Hùng mới chỉ vẫn dừng lại ở chuyện yêu dù cho cô người yêu lớn hơn 2 tuổi và cũng ý thức hơn được về trách nhiệm bản thân. Còn câu chuyện của Đạt cũng khiến tôi phải suy nghĩ. Đạt sinh năm 1995 nhưng cô người yêu của Đạt sinh năm 2006. Câu chuyện trưởng thành của người yêu Đạt khiến tôi suy nghĩ và thấy buồn. Bởi ở cái tuổi đó, việc quan trọng nhất của Liên, người yêu Đạt là học hành, là vui chơi, đón nhận sự vô tư, thoải mái của tuổi học trò. Nếu còn đến trường thì năm nay Liên học lớp 11 nhưng do yêu đương, quá từng trải, Liên nghỉ học giữa chừng và đi theo Đạt. Cô bé không ngại ngùng kể cho tôi chiến tích tình yêu của mình suốt thời đi học không một chút ngại ngần.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Phương cho hay, chuyện yêu của con trẻ ngày càng phát triển sớm. Vậy khái niệm “sớm” là khi nào, bao tuổi được gọi là yêu sớm. Trong trường hợp của Hùng, 15 tuổi đã yêu và có quan hệ sâu sắc với bạn cùng giới thì đó là yêu sớm. Bời ở tuổi dó con chưa ý thức được đầy đủ về mọi mặt. Giai đoạn này các con còn đang hình thành cả về tâm và sinh lý nên mọi diễn biến của yếu tố tâm lý còn đang chông chênh, chưa định hình rõ nét. Tuổi đó đang nằm trong sự quản lý của cha mẹ và nhà trường là chủ yếu, nhưng con lại tự ý chọn cho mình cách sống như vậy, phần lớn do bố mẹ ít sát sao.
Tuy nhiên khi đối mặt với tình huống này, trước hết bố mẹ phải hết sức bình tĩnh và nhận ra rằng trong chuyện đó bản thân bố mẹ cũng có lỗi, vì đã ít sát sao, không nắm bắt được tâm tư của con. Phải khi nhận thức được việc mình có lỗi thì bậc làm cha mẹ mới bình tĩnh hơn khi đối mặt với chuyện này.
Nếu bố mẹ càng rối, càng bộc lộ sự thất vọng, cáu giận với con, con càng giấu chuyện tình cảm. Bố mẹ hãy nghĩ rằng “Mọi việc có thể đổi chiều, hãy lạc quan hơn để giảm ức chế”. Thực tế là vậy, bởi các con đang tuổi bồng bột, nếu bộc lộ quan điểm cho rằng “tình yêu của các con là con nít, là không có tương lai... điều đó chỉ khiển các con cố gắng minh chứng cho bố mẹ rằng tình yêu của con là chín chắn hơn mà thôi và như vậy các con càng gắn bó với nhau hơn”. Trong những trường hợp có con yêu sớm, bố mẹ hãy tỏ ra hòa nhập, quan tâm về tình yêu đó của con, hãy hỏi nhiều về tình yêu của 2 con. Rồi sao đó để con thấy rằng bố mẹ có thể là người chia sẻ tâm sự được tình yêu đó. Trong tình yêu hẳn sẽ có vui buồn, lúc đó con sẽ tâm sự với bố mẹ, lúc đó sẽ là lúc bố mẹ cho con thấy yêu sớm là nên hay không nên.
Các bố mẹ lưu ý, không chê bai bạn của con, gần gũi con hơn, tạo niềm tin cho con. Trong tình huống này bố mẹ cũng tinh tế xác lập "quyền lực" của mình, ví dụ: con đi đâu, làm gì bố mẹ phải được biết. Quỹ thời gian trong ngày được cả bố mẹ và con thống nhất và luôn ưu tiên việc học, chăm sóc gia đình, việc nhà, còn lại là các việc khác, trong đó có yêu.
Dù bố mẹ có nhiều kỹ năng xử lý tình huồng khi con yêu sớm, theo chuyên gia tâm lý Minh Phương, bố mẹ nên quan tâm, gần gũi chuyện trò với con thường xuyên, đừng để chuyện đã rồi mới tá hỏa tìm phương án giải quyết. Chỉ có bằng tình yêu thương, sự chăm lo của bố mẹ mới khiến các con có những nhận thức đúng đắn về chuyện tình cảm cũng như tương lai của chính mình./.