Làm gì khi bị miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội?
VOV.VN - Ngày nay, với sự phát triển của khoa học cộng nghệ thì mạng xã hội trở thành “nơi lý tưởng” cho những người thích miệt thị, chế giễu ngoại hình của người khác (body shaming). Và hậu quả để lại cho những nạn nhân là tổn thương tâm lý, mặc cảm về ngoại hình và có thể nặng nề hơn nữa.
Hãy chặn những người/tài khoản độc hại trên mạng xã hội
Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng cắt đứt mối quan hệ với những người liên tục hạ thấp bạn bằng cách chê bai hay chế giễu, cơ thể và ngoại hình của bạn. Họ có thể là những người bạn thời thơ ấu của bạn, anh chị em họ mà bạn rất thích, đàn anh/đàn chị nổi tiếng ở trường và thậm chí là người bạn thầm thích.
Đầu tiên, bạn hãy đối mặt với họ và nói chuyện về việc họ miệt thị ngoại hình của bạn nếu bạn nghĩ rằng họ có thể vô ý làm điều đó và sẵn sàng thay đổi. Nếu cách này không hiệu quả, đừng ngần ngại báo cáo (report) những bình luận khiến bạn thấy khó chịu và sau đó chặn những người đó trên mạng xã hội.
Nếu bạn theo dõi bất kỳ tài khoản nào trên mạng xã hội chia sẻ nội dung khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân, hãy hủy theo dõi những tài khoản đó. Bạn phải có ý thức về những người bạn theo dõi để đảm bằng rằng nguồn thông tin mà bạn tiếp nhận không chứa những thông điệp tiêu cực.
Lên tiếng khi người khác bị miệt thị ngoại hình
Đôi khi, việc lên tiếng bênh vực người khác dễ hơn so với việc khi bạn là mục tiêu bị miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội. Nếu bạn thấy ai đó đăng những bình luận mang tính chế giễu, chê bai ngoại hình của người khác, thì hãy lên tiếng và báo cáo những bình luận đó nếu cần, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ với nạn nhân.
Nếu bạn không chắc liệu người đó có thấy những bình luận này gây khó chịu hay không, bạn cũng có thể gửi cho họ một tin nhắn riêng tư hỏi xem họ có ổn không. Một lời nói tử tế từ một người lạ có thể là tia sáng trong một số trường hợp. Thậm chí, bạn có thể tìm thấy những người cùng chí hướng khác mà bạn có thể giúp đỡ bằng cách chia sẻ với họ kinh nghiệm của mình khi đối phó với những người miệt thị ngoại hình người khác trên mạng xã hội.
Hãy bao quanh bản thân bằng sự tích cực
Sau khi từng là nạn nhân của miệt thị ngoại hình, bạn không nhất thiết nên coi mạng xã hội là một trải nghiệm tiêu cực đối với bạn. Việc bỏ theo dõi các tài khoản truyền tải thông điệp tiêu cực cũng là một cách, nhưng chọn lọc nguồn thông tin bạn tiếp nhận cùng với theo dõi những tài khoản mạng xã hội mang đến nhiều thông điệp tích cực là điều cần thiết hơn.
Giống như những cuộc nói chuyện truyền động lực khiến người ta cảm thấy có thêm động lực thì những nội dung tích cực sẽ dần dần khuyến khích bạn yêu cơ thể mình. Hãy theo dõi những trang, tài khoản hay bất cứ những ai, bất cứ điều gì khiến bạn nghĩ về cơ thể mình tích cực hơn và giúp cải thiện mối quan hệ tốt đẹp với mọi người khi chia sẻ những thông điệp tích cực đó.
Thay đổi cách bạn nói chuyện với bản thân
Chúng ta có thói quen nói chuyện với chính mình trong đầu. Đôi khi, mặc dù chúng ta nói về có thể mình một cách tích cực trước đám đông, nhưng trong đầu chúng ta lại là nói điều ngược lại. Hãy cố gắng để không tự miệt thị, chê bai bản thân, ví dụ như đừng trách móc bản thân về thói quen ăn uống của bạn.
Sự tử tế phải bắt đầu từ chính bạn. Nếu bạn không hài lòng với thói quen ăn uống của mình, hãy nói những điều khích lệ thay vì trách mắng bản thân. Nếu bạn thất bại, hãy nói với bản thân rằng không sao cả và bạn sẽ cố gắng hơn vào ngày hôm sau. Hãy là người cổ vũ của chính bạn. Một khi bạn xây dựng được mối quan hệ tích cực và lành mạnh với cơ thể của mình, sẽ không có bất cứ ai có thể hạ thấp, chê bai làm bạn mặc cảm về ngoại hình của mình.
Thực hành những gì bạn học được
Nếu bạn cảm thấy được thôi thúc mạnh mẽ phải đấu tranh cho việc loại bỏ miệt thị ngoại hình trên mạng xã hội, hãy lên tiếng giúp đỡ người khác. Bạn có thể bắt đầu bằng nhiều hành động như xây dựng cộng đồng cho những người là nạn nhân của body shaming, chia sẻ kinh nghiệm và cách hay của bạn đã đối mặt và vượt qua khi bạn chê bai ngoại hình.
Hay bạn có thể tham gia các xu hướng truyền thông xã hội lành mạnh như đăng ảnh không sử dụng bộ lọc (#nofilter), đăng ảnh không trang điểm (#iwokeuplikethis) và có thể khuyến khích những người khác xung quanh bạn cũng làm như vậy.
Yêu cầu sự giúp đỡ
Nếu trong số những điều bạn làm không giúp bạn cảm thấy tốt hơn về cơ thể của mình, và việc miệt thị ngoại hình bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày hoặc sức khỏe tinh thần của bạn, hãy liên hệ với nhà trị liệu hoặc bác sĩ để được giúp đỡ.
Hãy nhớ rằng, yêu cầu giúp đỡ khi bạn đang đau khổ, khó chịu, tổn thương thì không có gì đáng xấu hổ. Điều đó không có nghĩa là bạn yếu đuối mà điều đó thực sự khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn vì bạn có thể xác định khi nào mình cần giúp đỡ và điều gì là tốt nhất cho bản thân bạn./.