Tôi thấy mình thất bại thê thảm khi thiên hạ khoe mẽ trên Facebook
VOV.VN - Nếu không tình cờ biết cô bạn “siêu nhân”, hình mẫu của sự viên mãn đang có cuộc sống thật khá bết bát, chắc tôi đã bị trầm cảm vì thấy mình như ở dưới đáy xã hội.
Đua nhau khoe mẽ trên mạng là chuyện có từ rất lâu rồi, khi mạng xã hội trở thành một thế giới sôi động bên cạnh thế giới thật. Mặt trái của nó rõ rệt đến nỗi vào năm 2021, giới chức Trung Quốc phải yêu cầu các nền tảng mạng xã hội loại bỏ những video khoe của, phô trương lối sống giàu sang, xa hoa. Mạng Douyin sau đó thông báo đã khóa khoảng 4.000 tài khoản trong 2 tháng, còn ứng dụng Xiaohongshu gắn cờ cảnh cáo gần 9.000 bài đăng khoe của trong 5 tháng.
Thật ra, phô trương sự giàu có chỉ là một phần nhỏ của việc khoe mẽ trên mạng xã hội, bên cạnh việc khoe quyền lực, khoe tài năng, nhan sắc, khoe sức hút đối với người khác giới, khoe mối quan hệ với những người nổi tiếng và có chức quyền, vân vân...
Gần đây, với sự trỗi dậy của trào lưu flex, cái sự khoe được nhiều người nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, rằng chia sẻ niềm tự hào của mình cũng là nhu cầu hết sức chính đáng. Với bản thân, điều đó sẽ giúp có thêm động lực vươn tới những mục tiêu cao hơn, với người khác sẽ có tác dụng kích thích sự phấn đấu nhằm đạt nhiều thành tựu hơn trong cuộc sống.
Tôi cũng đã tự nhủ như vậy, từ hồi phong trào khoe đủ thứ trên mạng chưa được gọi tên là flex. Nhưng rồi tôi dần dần trở nên hoang mang và nghi ngờ bản thân khi thấy mạng lưới bạn bè thật và ảo của mình hầu như đều có cuộc sống viên mãn, hoàn hảo. Trong khi tôi, với rất nhiều nỗ lực, chỉ đạt được thành tựu trong vài khía cạnh của đời sống thì không hiểu sao mọi người lại có tất cả mà trông vẫn nhàn tênh.
Họ vừa là nhân vật không thể thiếu ở cơ quan, vừa điều hành việc làm ăn riêng cực tốt mà vẫn có thể thường xuyên vi vu du lịch, chụp hàng trăm cái ảnh sang chảnh ở resort 5 sao, lúc ở nhà thì vẫn làm được những bữa cơm hoành tráng bày biện tỉ mỉ như vua đầu bếp. Việc gì cũng cho kết quả mỹ mãn, vậy mà họ vẫn đủ thảnh thơi viết mỗi ngày vài cái "tút" thâm thúy, sâu xa. Chả trách mà họ được chồng cưng chiều nịnh nọt, đối xử như nữ hoàng, hệt trong truyện ngôn tình.
Tôi cảm thấy dường như cả thế gian có mỗi mình kém cỏi khi phải chật vật đối phó với những khó khăn tầm thường, phải chấp nhận được cái này mất cái kia; chỉ có tôi mới đầu bù tóc rối khi phải tăng tốc chạy deadline và hễ làm được cho sếp hài lòng thì đến lượt chồng khó chịu. Cảm giác thất bại, "dưới đáy xã hội" khiến tôi hay thấy bất an, stress, tự ti, nhất là khi công việc hay cuộc sống riêng không được thuận buồm xuôi gió. Có thời gian tôi suýt sa vào trầm cảm nếu như không kịp tỉnh ngộ rằng chẳng phải tất cả những gì người ta khoe trên Facebook, Instagram hay TikTok đều là thật.
Đó là khi sự tình cờ khiến tôi phát hiện ra, cô bạn mà tôi vẫn thán phục và coi là siêu nhân, hình mẫu của sự giỏi giang và viên mãn, có cuộc sống thật khá bết bát: Chồng ngoại tình và đang ly thân, cửa hàng cô ấy hay khoe thật ra đóng cửa từ lâu vì thua lỗ, ảnh check-in nơi sang trọng chủ yếu là ké vào chụp vội, túi hiệu là hàng fake... Phát hiện này giúp tôi thoát khỏi cơn mụ mị vì "ngộ độc mạng ảo" để nhận thức được, những người khoe cuộc sống cổ tích, siêu thực trên mạng thật ra cũng đang phải đổ mồ hôi trong thế giới thật giống tôi, và gặt hái được chút thành tựu vừa phải thôi cũng quý lắm rồi.
Những ngày gần đây khi trào lưu flex được nói đến nhiều cùng với những tranh cãi rằng nó xấu hay tốt, tôi cũng nhìn nhận lại bản thân. Tôi nghĩ flex nhẹ nhàng vui vui thôi thì cũng tốt, nhưng tâm lý con người mà, khoe cũng dễ thành nghiện, nhất là với sự cổ vũ của mạng xã hội, và khi đó thật khó mà dừng lại được. Từ chỗ khoe những gì mình có, dần dần người ta phải khoe cả những thứ mình không có. Người ít có gì để khoe cũng cố "ảo" để được nhìn nhận là không thua chị kém em. Với bản thân họ, kiểu tự lừa dối này khó mà tạo thành động lực phấn đấu, thậm chí còn gây tâm lý khó chấp nhận thực tại. Còn đối với người khác, nó vô tình gây phản ứng ghen tị và mặc cảm tự ti.
Nhiều cư dân mạng nói rằng chỉ flex có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực là do người tiếp nhận nó. Có cái tâm sân si, đố kỵ thì mới sinh ra tự ti, stress khi người khác flex. Họ nói rất đúng. Nhưng con người chưa tu thành chính quả, có mấy ai không bị trói buộc bởi thất tình lục dục, bởi sân si kia chứ! Vậy thì cơn say khoe mẽ trên mạng chắc rằng sẽ có ảnh hưởng xấu đến rất nhiều người.
Các bạn có ai như tôi, từng thấy mình kém cỏi dưới mức trung bình, thấy mình thất bại thê thảm khi thiên hạ flex hay không?