TPHCM: Quan tâm bảo vệ quyền lợi người lao động
Để ngăn ngừa tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhất thiết phải thành lập tổ chức công đoàn và công nhân lao động phải gia nhập tổ chức này
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn TPHCM có 2 chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn, nâng số doanh nghiệp nước ngoài bỏ trốn tại thành phố từ năm 2006 đến nay lên 18 trường hợp. Đáng lưu ý là các chủ doanh nghiệp này đều nợ lương công nhân nhiều tháng liền, nợ tiền bảo hiểm xã hội, nhiều trường hợp còn tẩu tán tài sản trước khi bỏ trốn khiến cho các cơ quan chức năng và người lao động gặp nhiều khó khăn.
Nhằm kịp thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Liên đoàn Lao động TP HCM đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành các thủ tục kiện ra tòa án theo Luật phá sản doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm cho người lao động, tiến hành thống kê số tiền nợ lương công nhân và giới thiệu công nhân bị mất việc đến chỗ làm mới. Ngoài ra còn tổ chức thăm hỏi, động viên tặng quà cho công nhân, nhất là số công nhân đang nuôi con nhỏ, ốm đau bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, về lâu dài, để ngăn ngừa tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nhất thiết phải thành lập tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp và công nhân lao động phải gia nhập tổ chức này để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình.
Ông Trương Lâm Danh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết thêm: Điều quan trọng nhất, Công đoàn là đại diện công nhân lao động, khi xảy ra tình hình chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bỏ trốn Công đoàn sẵn sàng đại diện và can thiệp kịp thời cho các công nhân. Có điều là công nhân chúng ta phải gia nhập vào tổ chức Công đoàn vì nếu chúng ta có tổ chức Công đoàn tình trạng nợ bảo hiểm sẽ được các cấp công đoàn phát hiện. Mà một dấu hiệu dễ dàng nhận thấy nhất là họ nợ bảo hiểm, nợ lương, nợ mặt bằng, nếu chúng ta phát hiện kịp thời có thể ngăn chặn kịp. Vì vậy gia nhập Công đoàn chúng ta sẽ bảo vệ được quyền lợi tốt hơn./.