Trẻ bị bỏng tăng đột biến trong dịp hè
Đa số những trường hợp bị bỏng là do sự bất cẩn của gia đình
Có con nhỏ đang tuổi tập đi, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (ở xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn thường xuyên để những vật dụng như phích nước, nồi cơm điện, nồi canh trong tầm tay của trẻ. Hậu quả là mới đây, cậu con trai mới hơn 1 tuổi của chị kéo đổ phích nước và bị bỏng nặng, đang phải điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn.
Chăm con tại bệnh viện Xanh Pôn, chị Lê Thị Thủy (ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Cháu nhà tôi được 16 tháng tuổi. Đang ngồi chơi, cháu quờ vào bát cháo, đổ vào bàn chân nên bị bỏng”.
Từ giữa tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện Xanh Pôn tiếp nhận từ 10 - 17 trẻ bị bỏng, chiếm 1/2 số em nhỏ đến khám tại bệnh viện, tăng đột biến so với trước mùa hè.
Số ca bỏng nặng phải điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia cũng không ngừng tăng, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự bất cẩn của người lớn.
Bé bị bỏng do cầm gậy sắt chọc vào dây diện cao thế |
Bác sỹ Nguyễn Thái Hoàng Minh - Khoa Hồi sức tích cực - Viện Bỏng Quốc gia nói: “Trong mùa hè này các cháu hay bị bỏng do nước sôi. Thường khi tắm phải xả nước lạnh trước rồi mới cho nước nóng vào sau nhưng nhiều bà mẹ lại xả nước sôi vào chậu trước rồi bẵng đi. Da trẻ con rất mỏng, chưa cần đến nhiệt độ sôi đã đủ bị bỏng rồi. Thứ 2, mùa hè, các cháu ở nghỉ nhà, bị bỏng nước sôi do nghịch. Hoặc khi đi chơi, có thể trèo lên cột điện bắt chim, thả diều, mắc vào đường điện cao thế gây ra bỏng, đấy chưa kể tổn thương kết hợp dẫn đến tàn phế”.
Tai nạn bỏng để lại hậu quả nặng nề về thể xác và tinh thần cho trẻ em. Trong số những ca bỏng nặng điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, nhiều trường hợp vết thương của trẻ bị nhiễm trùng nghiêm trọng do gia đình dùng nước mắm, lá cây, tro bếp để sơ cứu.
Cá biệt, trường hợp cháu Hoàng Quang Vũ (3 tuổi, dân tộc Nùng, ở xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) bị bỏng nước sôi khá nặng nhưng gia đình lại mang đến thầy lang để chữa trị.
Ngày 4/6, sau gần 2 tháng bị bỏng, gia đình mới cho cháu đến Viện Bỏng Quốc gia thì đã quá muộn. Sức khỏe của cháu bị suy kiệt nghiêm trọng nên đã tử vong sau 1 ngày nhập viện.
Bác sỹ Nguyễn Văn Vân - Khoa chữa bỏng trẻ em - Viện Bỏng Quốc gia cho biết, khoa đang điều trị cho hơn 40 trẻ bị bỏng, tăng 3 lần so với bình thường. Theo quy luật hàng năm, thời điểm này vẫn chưa phải đỉnh điểm.
Theo thống kê của Viện Bỏng Quốc gia, mỗi năm, viện tiếp nhận gần 4.000 bệnh nhân bỏng, trong đó, hơn 1/2 là trẻ em. Cao điểm là trong dịp hè, số trẻ điều trị tại viện lên tới gần 100 trường hợp.
Đây là tai nạn hoàn toàn có thể phòng tránh được nên các bậc phụ huynh cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho con em mình./.