Trẻ nhập viện tăng vì sốt và biến chứng viêm não
Những ngày nay, thời tiết thay đổi, nhiều trẻ phải nhập viện vì sốt virus và các bệnh liên quan đến hô hấp. Số trẻ nhập viện tăng khoảng 30 đến 50%.
Mỗi ngày khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khám, phát hiện hàng trăm trẻ bị sốt và các bệnh liên quan đến hô hấp. Trong đó, nhiều trường hợp bị viêm phổi, viêm màng não do phụ huynh đưa trẻ đến viện muộn.
Bệnh nhi Nguyễn Thảo Anh, 12 tuổi ở Hà Nội đau đầu, buồn nôn và và có hiện tượng co giật nhẹ, nhưng phải sau 3 ngày gia đình mới đưa cháu vào bệnh viện trong tình trạng sốt rất cao. Các bác sĩ phát hiện bệnh nhân dương tính với virus hepers và đã bị biến chứng sang viêm não.
Trường hợp của bệnh nhi Trần Thùy Anh, quận Đống Đa, Hà Nội mới nhập viện ngày 21/8 cũng có những biểu hiện của viêm não sau khi sốt. Bà Phạm Thị Tâm bà nội cháu cho biết: “Trước khi nhập viện thì cháu bị đi ngoài, nôn trớ, sốt, hơi co giật. Bác sĩ chuẩn đoán là bị viêm màng não rồi lấy tủy xét nghiệm. Hiện cháu đang được theo dõi tiếp xem có co giật không, nhưng cháu không còn biểu hiện nữa”.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thông thường, co giật do sốt cao thì không nguy hiểm. Hết sốt, tình trạng co giật cũng chấm dứt. Tuy nhiên, nếu sốt cao và co giật do biến chứng của viêm não, nhiễm trùng, nhiễm độc nặng lại gây nguy hiểm đến tính mạng.
Song muốn phân biệt co giật do sốt cao hay là hậu quả từ các biến chứng thì phải bác sĩ thăm khám kỹ mới chẩn đoán được. So với độ nặng của viêm não Nhật Bản thì sốt do virus thông thường không bằng, nhưng khó chẩn đoán bởi bệnh rất ít triệu chứng. Nếu chỉ khám lâm sàng khó phát hiện, nên buộc phải làm xét nghiệm dịch não tủy và theo dõi chặt chẽ.
Không khí ẩm ướt là điều kiện vi khuẩn, virus phát triển, vì vậy để phòng ngừa bệnh tật cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, giữ cho môi trường trong gia đình luôn khô thoáng, sạch sẽ. Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường nên đưa đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời. Đặc biệt không được sử dụng đơn thuốc của người khác để điều trị cho trẻ tại nhà./.