Trẻ nhiễm độc chì, cơ quan chức năng lúng túng
Trong khi đã có trẻ tử vong vì nhiễm độc chì, thì Bộ Y tế, các địa phương vẫn lúng túng khi chưa có cơ sở xác định hàm lượng chì, việc phòng chống và nhập thuốc thải độc sẽ ra sao?
Thủ phạm không phải là dược liệu?!
Theo Cục Quản lý Dược, thực tế Việt Nam chưa có quy định về giới hạn chì trong dược liệu, thuốc từ dược liệu. Do đó câu hỏi đặt ra là dựa vào quy định nào để kết luận hàm lượng chì trong sản phẩm thuốc cam bao nhiêu là không đạt? Điều này cũng dẫn đến các câu hỏi khác như: Có phải bệnh nhân ngộ độc chì đều do dùng thuốc cam (dù với bất kể hàm lượng chì nào), kết luận của Viện Hóa học có giá trị đến đâu (Viện Hóa học kết luận 98/100 mẫu thuốc cam có hàm lượng chì cao) (?).
Trong khi Sở Y tế và hệ thống cơ quan kiểm tra chất lượng tiếp tục lấy mẫu nhưng không kết luận được về giới hạn chì, thì dư luận hoang mang, mất lòng tin vào thuốc Đông y nói chung và thuốc cam nói riêng.
Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định, sự gia tăng các trường hợp nhiễm độc chì do dùng thuốc cam cần được xem như mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng nguy cơ nhiễm độc chì cho trẻ từ thuốc Đông y là rất cao. Do đó, bệnh viện đề nghị Bộ Y tế cần điều tra trên diện rộng việc này. Trẻ ngộ độc chì nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ trở thành đứa trẻ đần độn về mặt trí tuệ, thậm chí tử vong.
Chăm sóc trẻ bị nhiễm độc chì (Ảnh: KT) |
Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), nguyên nhân thuốc cam chứa chì cao nhiều khả năng không phải do dược liệu. Có thể một số cơ sở do người hành nghề không có trình độ chuyên môn, không hiểu biết đã sử dụng khoáng vật như ôxít chì nên hàm lượng chì trong thuốc mới cao.
Tập huấn cho các địa phương phác đồ xử lý ngộ độc chì
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai hoàn chỉnh phác đồ điều trị xử lý ngộ độc chì cấp tính và ngộ độc trường diễn; đồng thời tham gia kế hoạch tập huấn cho các Sở Y tế trọng điểm (Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên…).
Cục Quản lý khám chữa bệnh chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh tổng hợp báo cáo tất cả các trường hợp ngộ độc chì từ năm 2009 đến nay; tổ chức tập huấn cho các địa phương phác đồ xử lý ngộ độc chì, xác định nhu cầu thuốc xử lý ngộ độc chì, lên kế hoạch nhập khẩu.
Đối với Cục Quản lý Dược, Thứ trưởng Cao Minh Quang đề nghị, Cục ra thông báo chính thức của Bộ Y tế cấm lưu hành các loại thuốc cam không có số đăng ký, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, cũng chỉ đạo các Sở Y tế thanh kiểm tra và thu hồi các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc.
Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương tăng cường lấy mẫu kiểm tra các loại thuốc cam trên thị trường. Hội đồng Dược điển Việt Nam có kế hoạch xây dựng chuyên luận về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng (chì, asen…) trong dược liệu, thuốc từ dược liệu. Vụ Y dược cổ truyền phối hợp với các đơn vị phân tích nguyên nhân ngộ độc, đề xuất các biện pháp tăng cường phòng chống ngộ độc chì, đặc biệt đối với trẻ em.
Trong khi đó, việc điều trị trẻ ngộ độc chì ở Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về thuốc. Thế giới hiện có khoảng 4-5 loại thuốc giải độc được dùng trong điều trị ngộ độc chì nhưng Việt Nam mới chỉ có thuốc viên Dpenicillamin - thuốc được đánh giá là hiệu quả thấp nhất, nhiều tác dụng phụ nhất và rẻ nhất. Các loại thuốc tốt hơn là EDTA CaNa2, BAL và Succimer, có thể giúp đào thải lượng chì trong xương và não nhanh hơn thì nước ta chưa có.
Cục Quản lý Dược đề xuất, Vụ Y dược Cổ truyền tiếp tục chỉ đạo, giám sát các trường hợp ngộ độc chì do dùng thuốc Đông y, sản phẩm thuốc cam, phối hợp với Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Bộ Y tế, các phương tiện thông tin đại chúng để tăng cường tuyên truyền về việc không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ./.