Vị cứu tinh của cá heo
Đến vịnh Kiluan ở Bali, Indonesia, du khách sẽ được thưởng thức những màn trình diễn độc đáo của những chú cá heo. Đây là công sức của chuyên gia huấn luyện động vật Riko Stefanus - người được gọi là “vị cứu tinh” của cá heo
Vịnh Kiluan nằm ở tỉnh Lampung, không nổi tiếng bằng vịnh Lampung ở Bandarlampung, vịnh Tomini ở miền Trung Sulawesi hay vịnh Lovina ở Bali. Nhưng nỗ lực của chuyên gia huấn luyện động vật Riko Stefanus (34 tuổi), đã góp phần không nhỏ giúp thu hút du khách trong và ngoài nước tới vịnh Kiluan. Anh Riko là chuyên gia của Hiệp hội Du lịch sinh thái Cikal đã dành nhiều năm cho việc bảo tồn loài rùa và cá heo ở vịnh Kiluan.
Nhiều du khách nhận xét rằng, màn biểu diễn cá heo ở đây hấp dẫn và độc đáo hơn những màn biểu diễn có phần quá phổ biến ở bãi biển Lovina. Tại Lovina, chỉ có một loài cá heo, còn ở vịnh Kiluan, du khách có thể chiêm ngưỡng hai loài cá heo là cá heo Mũi to (tên khoa học là Tursiops truncatus) và cá heo Mũi dài (tên khoa học là Stenella longirostris). Số lượng cả hai loài này tại vịnh Kiluan rất đông, lên tới hàng nghìn con mỗi loài. Những màn trình diễn hấp dẫn nhất thường diễn ra vào dịp Tuần lễ câu cá Kiluan vào tháng 8 hàng năm. Tuy nhiên, vào bất kỳ ngày nào, du khách tới vịnh cũng có thể xem các màn múa của những chú cá heo. Họ có thể thuê tàu để lại gần những chú cá heo, nhìn chúng nhảy và chơi đùa trong nước.
Vịnh Kiluan là một vùng nước khá hẹp, với cộng đồng dân cư khoảng 200 gia đình, đa số làm nghề đánh bắt cá và nghề nông. 10 năm trước, hiếm khi thấy du khách đến vịnh. Thậm chí cái tên vịnh Kiluan không chỉ xa lạ với du khách nước ngoài mà với cả người dân ở Lampung. Nhưng khi Hiệp hội Du lịch sinh thái Cikal tới đây thực hiện dự án thúc đẩy du lịch, bảo tồn hàng nghìn chú cá heo, vịnh Kiluan ngày càng được biết đến. Trước khi anh Riko cùng những người dân địa phương tham gia bảo vệ loài cá heo từ 5 năm trước, loài động vật thông minh dễ thương này luôn bị đe dọa. Những ngư dân thường dùng tàu lớn từ Jakarta và Banten đi qua vùng này, bắt cá heo làm mồi nhử để bắt cá mập.
Trong khi đó, ngư dân tại vịnh Kiluan không bao giờ săn cá heo. Họ được cha ông dạy cách kết bạn với cá heo. Riko nói: “Cá heo là bạn của những ngư dân truyền thống từ vịnh Kiluan đến vịnh Semangka. Chúng như những người dẫn đường cho ngư dân bắt được cá. Thường những vùng nước có đông cá heo cũng là nơi tập trung nhiều loại cá to”. Riko khẳng định, nếu không có hành động gì, e rằng cá heo ở vịnh Kiluan sẽ bị tuyệt chủng. Anh đến vùng này cùng phối hợp với các ngư dân địa phương bảo vệ cá heo và đuổi những kẻ săn cá heo ra khỏi vùng nước yên bình của chúng.
Ngày nay, vịnh Kiluan đã trở thành một địa điểm giải trí, du lịch lớn ở Indonesia, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho các ngư dân địa phương. Đa số họ giờ làm nghề cho thuê thuyền và hướng dẫn du lịch. Để tăng cơ hội cho người dân địa phương, Riko đã có sáng kiến tập hợp ngư dân ở 6 làng tại Kiluan lập thành một nhóm du lịch sinh thái phối hợp với Hiệp hội Du lịch sinh thái Cikal. Cùng với việc bảo vệ loài cá heo, nhóm du lịch sinh thái vùng còn bảo tồn loài rùa xanh và rùa hawksbill. Một trong những chiến dịch lớn nhất của họ là tuyên truyền cho người dân bỏ thói quen ăn trứng rùa. Ngoài ra, Hiệp hội Du lịch sinh thái Cikal cũng thúc đẩy việc khôi phục dải san hô và rừng đước bảo vệ sinh thái ở vịnh Kiluan.
Hiện Riko đang nỗ lực tìm kiếm nguồn kinh phí lớn hơn từ chính phủ và khu vực tư nhân cho các nỗ lực của nhóm du lịch sinh thái địa phương. Bởi thiếu kinh phí rất có thể sẽ dẫn tới việc người dân quay trở lại với nghề đánh bắt cá xưa kia, tàn phá vùng san hô ngầm dưới vịnh./.
Box: Sau 5 năm nỗ lực, đến giờ người dân ở Kiluan đã từ bỏ thói quen ăn trứng rùa và ý thức về việc bảo vệ loài động vật này. Du khách đến với Kiluan ngày nay có thể nhìn những chú rùa bơi trong nước, xem chúng đẻ trứng và làm những ổ ấp trứng bằng cát./.