Vì sao có những vụ án xuất phát từ Facebook?
(VOV) - Nhiều vụ trọng án đã xảy ra, mà nguyên nhân ban đầu xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trên Facebook.
Gần đây, xảy ra nhiều vụ án mạng mà nguyên nhân là từ những mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội Facebook. Câu hỏi đặt ra là: Vì sao một thế giới ảo có thể dẫn đến những tác hại thực? Làm thế nào để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra và xây dựng một văn hóa Facebook lành mạnh?
Mâu thuẫn ảo, hậu quả thực
Khoảng 13h ngày 12/3, tại khu vực ngã ba Gốc Phượng, phường Hà Phong, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) xảy ra một vụ nổ súng thanh toán nhau, khiến 1 người chết và 1 người bị thương. Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường, trong lúc nhóm thanh niên khoảng 5 người đang ngồi với nhau trong quán nước thì bất ngờ có một chiếc taxi ập tới. 4, 5 thanh niên xuống xe và vào “nói chuyện” với nhóm đang ngồi ở quán.
Trong lúc hai bên đang “nói chuyện”, bỗng có tiếng súng nổ chát chúa vang lên, hai thanh niên gục ngã xuống đường. Sau khi đám thanh niên bỏ đi, người dân mới dám đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, một trong hai người đã tử vong.
Bước đầu, qua khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định nạn nhân là Phạm Văn Minh, 29 tuổi, ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) tử vong do một viên đạn hoa cải trúng tim. Nạn nhân còn lại tên là Vượng, bị thương nhẹ ở tay. Theo tìm hiểu, trước khi dẫn đến vụ ẩu đả, hai nhóm thanh niên này đã có những mâu thuẫn trên mạng Facebook, sau khi hai cô bạn gái chê bai nhan sắc của nhau.
Vụ nổ súng xảy ra với nguyên nhân không thể ngờ đến. Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, ngày 22/2, sau khi tan trường, 2 học sinh trường THPT Hạ Long và THCS Cao Xanh (Quảng Ninh) bị đâm chém trọng thương cũng xuất phát từ mâu thuẫn trên Facebook. Trước thời điểm xảy ra sự việc mấy ngày, Tạ Đức Hiển (HS lớp 9) và Tạ Đình Xuân (HS lớp 11) đã có những bình luận khiêu khích nhau trên Facebook.
Cũng từ mâu thuẫn trên Facebook, Vũ Tuấn Tài và Vũ Hữu Tuyền, 30 tuổi, trú ở xóm 2, Phúc Phú, Lý Nhân, Hà Nam đã hẹn gặp nhau tại đê Trần Khát Chân, Thanh Lương (Hà Nội) để giải quyết mâu thuẫn. Khoảng 12h15 ngày 6/1, Tài cùng Vũ Văn Tuấn, trú ở tổ 5, Thanh Lương đến điểm hẹn mang theo 1 chai xăng, dao phóng lợn, tuýp sắt.
Để “nghênh chiến”, Tuyền rủ thêm một số đối tượng gồm: Nguyễn Khắc Duy, Nguyễn Trọng Thanh, Đinh Ngọc Trung… Khi đến ngõ 29D, Trần Khát Chân, Tài đã châm lửa ném chai xăng vào nhóm của Tuyền gây nổ, sau đó dùng dao phóng lợn đâm nhóm Tuyền. Hậu quả Nguyễn Trọng Thanh và Đinh Ngọc Trung bị thương nặng.
Tránh hậu quả từ Facebook?
Chuyên gia tội phạm học Nguyễn Hữu Anh, giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến gây án, ban đầu tưởng chừng đơn giản và có thể nhiều người ngạc nhiên bởi lý do “ngớ ngẩn” này. Nhưng thực tế, rất nhiều vụ trọng án đã xảy ra mà nguyên nhân ban đầu xuất phát từ mâu thuẫn trên Facebook.
Chẳng hạn, khi một tấm ảnh được đưa lên Facebook, chủ nhân của nó thường nhận được những lời bình luận. Thường đó là những lời nhận xét thực, nhưng có khi nó chỉ là ảo. Nhiều người sử dụng nó để thể hiện quan điểm của mình, nhưng có khi lại để chọc tức nhau hoặc với một mục đích gì đó. Mà với một cô gái trẻ, việc bị châm chọc về nhan sắc của mình lại có thể ảnh hưởng tới lòng tự trọng.
Theo thạc sĩ xã hội học Đinh Thị An Thảo, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay, không phải chỉ qua Facebook, mà nhiều vụ án đã xảy ra thông qua những mạng ảo, các diễn đàn… Bởi tất cả đều có thể dẫn đến những tác động tâm lý khác nhau và con người đôi khi chỉ vì những bực bội không đáng có mà mất kiểm soát đối với hành vi, lời nói của mình.
“Thường với một bình luận gây bực bội trên Facebook, có thể có 2 khả năng: Một là trêu tức thực sự, hai là cũng có thể chỉ là lời nói đùa. Nhưng việc đùa trên một thế giới ảo có rất nhiều tác hại. Nếu ở ngoài đời, chúng ta có thể biết được ý nghĩa của lời nói qua cử chỉ, nét mặt. Nhưng trên Facebook, nó lại có thể dẫn đến những hiểu lầm đáng tiếc và tích tụ dần theo thời gian do không được giải tỏa”, Th.s Đinh Thị An Thảo phân tích.
Những hậu quả đáng tiếc trên xảy ra, một phần xuất phát từ những cách nhìn nhận, sử dụng lệch lạc về Facebook của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là, mỗi người khi sử dụng Facebook phải xây dựng cho mình một văn hóa ứng xử và tuân theo những nguyên tắc chung của mạng xã hội. Mặc khác, mỗi người cũng phải biết tự kiềm chế mình bởi trên Facebook, những cảm xúc đôi khi bị đẩy lên thái quá và nhiều người không còn đủ tỉnh táo để kiểm soát nó, gây ra những hiểu lầm hoặc mâu thuẫn không đáng có.
Theo chuyên gia tội phạm học Nguyễn Hữu Anh, cách tốt nhất để giải tỏa mâu thuẫn trên Facebook là im lặng, hoặc nhắn tin, liên hệ trực tiếp với đối tượng để được giải tỏa, tránh trường hợp tranh cãi qua lại trên Facebook. Với Th.s xã hội học Đinh Thị An Thảo, người dùng Facebook thông minh, an toàn là người biết “chọn bạn mà chơi”, không nên kết bạn tùy tiện trên Facebook mà không hiểu rõ về họ.
Về vai trò của cha mẹ, chuyên gia tội phạm học Nguyễn Hữu Anh cho rằng, trong khi các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc quản lý, thì các bậc cha mẹ phải hướng dẫn con mình biết cách giao tiếp trên một mạng ảo như thế nào để tránh những hậu quả đáng tiếc. Mặt khác, cha mẹ cũng cần theo dõi, tìm hiểu đời sống, tâm lý của con cái mình trên mạng để có cách quản lý, giáo dục đúng đắn nhất./.