Vỡ nợ tiền tỷ, choáng váng dân nghèo

Tổng số tiền mà người dân thôn Việt Vân (Bắc Ninh) bị các đối tượng lừa lên tới 5-6 tỷ đồng. Nếu tính cả những hộ cho vay 5-10 triệu đồng, thì cả thôn có tới 150 hộ dính dáng vào việc cho vay nặng lãi. Tính ra, gần nửa số hộ dân trong làng bị… lừa.

Chuyện vỡ nợ tiền tỷ xảy ra ở thôn Việt Vân, xã Việt Thống (Quế Võ, Bắc Ninh) đã gần 2 năm nay, nhưng dư chấn của nó đối với những người dân nghèo nơi đây vẫn rất nặng nề. Nhiều người tằn tiện, tích góp cả đời dành dụm được ít tiền, vàng đem trao hết cho các siêu lừa, nay thành trắng tay, thậm chí vẫn đang phải è cổ ra trả tiền vay ngân hàng, tiền vay nặng lãi…

Gần nửa làng bị… lừa

Với 2 chiêu bài: vay nóng tiền của họ hàng người thân và vay tiền trả lãi suất cao, các đối tượng siêu lừa đã vươn vòi bạch tuộc tới hầu hết các hộ trong thôn. Lấy “vỏ bọc” là nhân viên của chi nhánh Công ty TNHH Bảo hiểm quốc tế Mỹ - AIA tại Bắc Ninh, cán bộ Hội Phụ nữ thôn Việt Vân, lại có con đi Đài Loan, bà Nguyễn Thị Đến thường lân la tới từng gia đình trong thôn vận động người dân mua bảo hiểm, rồi gạ vay tiền, vàng với lãi suất cao. Theo phản ánh của người dân, khi mới vay, bà Đến tỏ ra rất sòng phẳng - hàng tháng đều mang tiền lãi đến từng hộ để trả, hộ nào đòi lại gốc bà cũng trả luôn.

Với việc tạo dựng uy tín như vậy, nhiều hộ dân đã tin tưởng đem hết tiền, vàng tích góp được trong nhà cho bà Đến vay. Thậm chí, nhiều hộ dù trong nhà không có tiền nhưng vẫn mạo hiểm thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng, rồi cho bà Đến vay lại để hưởng lãi suất chênh lệch. Trường hợp bà  Nguyễn Thị Chiền, gần 60 tuổi là một ví dụ. Vốn là chỗ thân quen, lại nghe lời lẽ ngon ngọt nên bà Chiền đã dốc hết số tiền, vàng tích góp, dè sẻn cả đời được 7 chỉ vàng và 3 triệu đồng cho Đến vay. Hàng tháng Đến trả bà 25.000 đồng/chỉ, còn tiền thì trả lãi 3%. Lĩnh lãi được khoảng 9 tháng, Đến lại tiếp tục gạ bà “còn bao nhiêu tiền, vàng trong nhà đem hết cho cháu vay nóng để chế nguội khoản vay cho con đi xuất khẩu lao động nước ngoài, cuối tháng cháu gửi tiền về thì trả lại”. Nghe bùi tai, bà lại cho vay nốt 15 chỉ vàng - giữ hộ của vợ chồng con gái và 3 triệu đồng.

Chưa lĩnh được đồng lãi nào, bà Chiền nghe thấy dư luận đồn thổi vợ chồng Đến đã thông đồng cùng đồng bọn lừa tiền của dân. Nghe tin dữ, bà tức tốc đến nhà Đến đòi lại số tiền, vàng đã cho vay. Lúc đó, Đến mới khóc lóc và thú thật: Mình cũng chỉ là người gom tiền của các hộ dân trong thôn rồi cho em con nhà chú ở ngoài Hà Nội tên là Trà My vay với lãi suất cao hơn. Nay Trà My chậm trả lãi nên khất bà Chiền vài hôm sẽ trả. Tuy nhiên, ngay sau đó vợ chồng bà Đến đã “chuồn” mất tăm tích.

Theo thống kê của UBND xã Việt Thống, tổng số tiền bà Đến lừa của 33 hộ dân lên tới 1,29 tỷ đồng. Nhưng bà Đến chưa phải là siêu lừa duy nhất ở thôn Việt Vân. Ông Nguyễn Văn Kết, Trưởng thôn Việt Vân cho biết: “Cả thôn có 3 cơ sở kinh doanh tiền, ngoài Nguyễn Thị Đến còn có Trà My - con ông Quang ở thôn Việt Vân, hiện sống ở Hà Nội; Nguyễn Thị Biên, hiện giữ chức Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Việt Thống. Tổng số tiền mà người dân thôn Việt Vân bị các đối tượng này lừa lên tới 5-6 tỷ đồng”. Theo ông Kết, nếu tính cả những hộ cho vay 5-10 triệu đồng chưa lộ ra thì cả thôn có tới 150 hộ dính dáng vào việc cho vay nặng lãi. Tính ra, gần nửa số hộ dân trong làng bị… lừa.

Váng đầu vì trả nợ

Giữa trưa nắng oi nồng, anh Nguyễn Văn Lộc, thôn Việt Vân lấy tay vuốt những giọt mồ hôi tứa ra trên khuôn mặt sạm đen, gày gò, bức xúc cho biết: “Vợ chồng tôi còn chưa rõ mặt mũi số tiền 50 triệu đồng vay ngân hàng định để dành cho con gái đi mổ tim thì bà Đến - hàng xóm sát vách - sang hỏi vay nóng nửa tháng. Do nể tình hàng xóm, nên vợ chồng tôi đã giao hết số tiền đó cho bà Đến. Vậy mà, vay chưa được 3 hôm, bà Đến đã trốn đi biệt tăm”. Chị Nguyễn Thị Lếnh, vợ anh Lộc cho biết: “Hai tháng trước khi lừa tiền của vợ chồng tôi, bà Đến còn thuê vợ chồng tôi nới rộng cổng ra cho to, đẹp để bà chuẩn bị sắm ô tô. Vậy mà, bà ấy còn có lòng dạ lừa cả mình. Bây giờ cổng khóa, sân rêu, nhà mốc thì biết bao giờ mới đòi được nợ”.

“Từ khi người dân trong thôn vỡ nợ tiền tỷ, hầu hết các chỉ tiêu trên giao thôn đều không hoàn thành được. Đi gõ cửa từng nhà từ sáng tới trưa mà tôi cũng chẳng thu được đồng thuế nào” - ông Nguyễn Văn Kết - Trưởng thôn Việt Vân 

Tiền cho vay bị cuỗm mất, hai năm qua, vợ chồng anh Lộc như ngồi trên đống lửa vì hàng tháng vẫn phải è cổ trả lãi vay ngân hàng số tiền hơn 1 triệu đồng. Xót của, năm ngoái chị em trong nhà đã xúm vào cho vợ chồng anh vay 25 triệu đồng để trả bớt nợ. “Hai tháng trước, lấy vợ cho con, vợ chồng tôi cũng đi vay mượn hết nên chưa trả được lãi ngân hàng trong khi hạn vay tháng này cũng hết. Nếu không trả lãi, chồng gốc kịp thời cho ngân hàng thì chắc chỉ còn nước đi ở nhờ nhà hàng xóm” - chị Lếnh lo lắng. Do thời hạn trả ngân hàng sắp đến, nên hễ cứ ở nhà là anh Lộc lại thấy váng hết cả đầu. “Nhiều lúc trong người mệt mỏi nhưng vẫn phải gắng gượng đạp xe vài chục kilomét lên thành phố Bắc Ninh làm phu hồ để trả nợ và kiếm tiền ăn cho gia đình. Có lần đi về mệt bã cả người còn bị lao vào đống gạch, may chỉ xước chút da” - anh Lộc tâm sự.

Trường hợp “làm ơn mắc oán” của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuyến, liên quan tới siêu lừa Nguyễn Thị Biên cũng rơi vào tình trạng bi đát không kém. Dù mới 45 tuổi, nhưng trông anh Tuyến không khác gì cụ già 60. Hai năm về trước, với lý do cần tiền để làm sổ đỏ mảnh đất bên Hà Nội, Biên - vốn là em họ chồng - đã nhờ vợ chồng anh vay nóng hộ 50 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng trong vòng 5 - 10 ngày. Vậy mà đến nay, đã 2 năm trôi qua, vợ chồng anh vẫn chưa lấy lại được. Trong khi đó, chủ nợ chỉ biết tìm đến vợ chồng anh mà tróc nợ. “Lúc vợ chồng tôi hay tin con đỗ đại học cũng là lúc nỗi buồn vỡ nợ diễn ra. Vợ chồng tôi phải gán 3 xe máy, thóc lúa, gà, lợn… để trả nợ cho thím Biên, vậy mà đến giờ vẫn phải khất nợ 5 triệu đồng. Đã 2 năm nay, chưa năm nào tôi làm dưới 300 công phu hồ để kiếm tiền trả nợ và nuôi con ăn học” - anh Tuyến nói.

Vất vả, khổ sở vì phải trả nợ như vậy, nhưng trong lúc nói chuyện với chúng tôi, vợ anh Tuyến đã vào nhỏ to với chồng rằng: “Anh đừng nói gì làm ảnh hưởng tới chị Biên. Trong nhà, chị ấy là người hiền lành và tốt bụng”. Còn theo ông Kết, trong thôn đã có 5 - 6 hộ phải dạt vào Nam làm ăn vì rát tai, không chịu được lời lẽ của những chủ nợ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên