Vụ lật xe gỗ lậu ở Nghệ An: Khi kiểm lâm “nhúng chàm”
Những ngày qua, dư luận cả nước bàng hoàng, đau đớn trước vụ tai nạn thảm khốc tại địa bàn bản Tông, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
Với 10 người chết, 7 người bị thương, vụ tai nạn thu hút sự quan tâm của dư luận không chỉ bởi sự tang thương, mất mát của những số phận phu nghèo nơi miền quê heo hút, mà còn có cả sự “nhúng chàm”, hành vi tham gia, tiếp tay trắng trợn của những cán bộ kiểm lâm - người được giao trọng trách quản lý, bảo vệ rừng.
Khi hay tin vụ tai nạn thảm khốc xảy ra khiến 10 người tử nạn, nhiều nạn nhân bị thương đang trong cơn nguy kịch, người dân cả nước không khỏi bang hoàng, xót thương cho những con người xấu số. Vì cuộc sống mưu sinh, 10 phu gỗ phải chịu chung một số phận.
Trong chốc lát, nhiều gia đình rơi vào cảnh tang thương, trong đó có đến 3 gia đình phải chịu cảnh trùng tang vì có đến 2 người con ra đi trong chuyến xe định mệnh. Trong cái lạnh tê tái của những ngày cuối năm nơi miền tây xứ Nghệ, nhiều tổ chức, cá nhân đã vượt cả trăm cây số, bằng cả vật chất lẫn tinh thần kịp thời sẽ những đau thương, mất mát với các gia đình nạn nhân với tấm long “tương thân, tương ái”.
Công an huyện Con Cuông có mặt kịp thời để xử lý |
Thế nhưng, khi nỗi đau mất người thân của các gia đình chưa kịp lắng xuống thì dư luận một lần nữa không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ khi biết rằng, những kẻ tham gia và tiếp tay đắc lực cho hoạt động phá rừng, buôn bán vận chuyển gỗ lậu, chính là cán bộ kiểm lâm - những người được Đảng, Nhà nước giao trọng trách quản lý, bảo vệ rừng.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu không xảy ra vụ tai nạn, nếu người dân không kịp thời phát hiện có bóng dáng kiểm lâm chui ra từ xe bị nạn, nếu lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng và ngành sở tại không vào cuộc tích cực, liệu hoạt động phi pháp của những cán bộ kiểm lâm biến chất kia có được phanh phui. Kể cả khi bức màn đen tối của những kẻ làm ăn bất chính đang dần được hé lộ, dư luận vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi 3/4 kiểm lâm bị bắt giữ là lãnh đạo – trong đó có 2 trạm trưởng, một Phó giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Pù Huống - những người được xếp vào thứ bậc “quyền cao, chức trọng”.
Vụ án đang trong quá trình điều tra mở rộng nên cũng chưa ai dám chắc những cá nhân “dính chàm” bị lôi ra ánh sáng trong vụ việc này chỉ dừng lại ở đây. Vụ tai nạn xảy ra đang để lại nhiều bài học đắt giá cho công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Là địa phương có diện tích rừng lớn, đa dạng với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, trong khi đời sống một bộ phận đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, lệ thuộc vào rừng nên việc phát nương làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép diễn ra nhiều nơi, nhiều lúc là điều dễ hiểu.
Ai có thể vô cảm khi một gia đình cùng một lúc có hai người con ra đi |
Ngành chức năng biết, chính quyền địa phương biết nhưng biện minh cho những khó khăn trong công tác xử lý, ngăn chặn đó thì lâu nay, những người được giao trọng trách vẫn thường có câu nói cửa miệng: Lực lượng mỏng, địa hình lớn, hoạt động của lâm tặc ngày một tinh vi, xảo quyệt. Chỉ đến khi xảy ra sự cố “Lật xe gỗ lậu, lộ mặt kiểm lâm” thì ai nấy mới vỡ lẽ.
Trở lại vụ tai nạn thảm khốc khiến 10 người tử nạn hôm 7/12, dư luận đặt câu hỏi, nếu không có sự cố đáng tiếc này, thì chắc chắn, một số lượng lớn gỗ lậu sẽ được vận chuyển trọt lọt. Vậy từ trước đến nay, có bao nhiêu chuyến hàng được những cán bộ kiểm lâm thoái hoá biến chất và “lâm tặc” cấu kết để vận chuyển như thế?
Rừng ngày một cạn kiệt, lợi nhuận từ rừng chỉ rơi vào túi một số cá nhân làm ăn phi pháp, trong khi những hệ luỵ của nạn chặt phá khai thác rừng bừa bãi như ô nhiễm môi trường, lũ ông, lũ quét… thì người dân và cả xã hội gánh chịu hậu quả.
Chưa bao giờ hai từ “Kiểm lâm” được các báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận đề cập đến nhiều như những ngày vừa qua. Thế nhưng, những hình ảnh đẹp về lực lượng kiểm lâm hết lòng vì công việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, tài sản quốc gia và thậm chí phải đổ máu, phải hy sinh cả tính mạng vì cuộc chiến bảo vệ rừng trong phút chốc đã sụt giảm nghiêm trọng.
Và một khi những kẻ thoái hoá biến chất này chưa bị trừng trị đích đáng, một khi chưa thể thanh lọc được những “con sâu mọt” ra khỏi hàng ngũ những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng thì chúng còn phải đau lòng chứng kiến rừng đang “chảy máu” là điều khó tránh khỏi./.