Vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh: Nỗi đau tột cùng của người ở lại
VOV.VN - Mỗi nạn nhân trong vụ sập giàn giáo ở Formosa đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần họ đều là những người có tuổi đời còn rất trẻ.
Trong vụ sập giàn giáo tại công trường của Dự án Formosa, tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có 13 nạn nhân bị thiệt mạng. Mỗi nạn nhân có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đa phần tuổi đời còn rất trẻ. Trong đó, nhiều người là trụ cột của gia đình. Họ ra đi đột ngột để lại nỗi đau và khoảng trống quá lớn đối với người thân.
Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Trần Anh Hoàn (sinh năm 1987) nằm khuất nẻo bên con đường heo hút ven xóm 6, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chiều muộn, trời âm u, những đợt gió lạnh cuối mùa mang theo cơn mưa nặng hạt khiến xóm nhỏ thêm phần cô quạnh. Có mặt tại đây, khi gia đình vừa đưa nạn nhân Hoàn đi an táng, chúng tôi không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến nỗi đau tột cùng của những người thân trong gia đình anh.
Bước vào gian nhà đơn sơ, nhìn chiếc bàn thờ lập vội với di ảnh chàng trai tuổi đời còn rất trẻ khiến ai cũng thương tiếc. Khi nhắc đến người anh trai yểu mệnh, Trần Ngọc Hải nghẹn ngào rơi nước mắt. Hải cho biết, anh Hoàn là người hiền lành, chăm chỉ, luôn chăm lo cho gia đình.
Sau khi học xong trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, anh ở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Nhưng thương bố mẹ già cả, anh xin về làm việc gần quê nhà để tiện bề chăm sóc.
“Năm 2012, anh vào làm việc tại Khu kinh tế Vũng Áng. Khi gia đình giục lấy vợ thì anh bảo để kiếm thêm ít tiền rồi mới lo chuyện gia đình sau. Mới Tết thôi, anh em còn gặp nhau, tay bắt mặt mừng sau bao ngày xa cách, thế mà giờ đây âm dương cách biệt nghìn trùng”, Trần Ngọc Hải nghẹn ngào.
Ông Trần Văn Huy, cậu ruột của Hoàn cho biết, từ năm 2012 đến nay, Hoàn làm việc tại Vũng Áng, thỉnh thoảng mới có thời gian về thăm bố mẹ rồi lại vội vàng trở lại với công việc. Ăn Tết xong, Hoàn cũng phải đi làm, không được ở nhà ăn Rằm tháng Giêng với gia đình, từ đó đến nay Hoàn chưa về thăm nhà lần nào.
Ông Huy cho biết, Hoàn là anh cả trong gia đình có 3 anh em trai. Khi ra trường làm mọi công việc để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thế mà giờ đây ai ngờ người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh ra đi trong đau đớn vô bờ.
Thắp nén hương trên ban thờ, chia tay gia đình anh Trần Anh Hoàn khi xóm nhỏ đã lên đèn, nghĩ đến hoàn cảnh những công nhân nghèo trong vụ tai nạn thương tâm này, chúng tôi càng thêm tê tái khi nhớ lại câu ca dao: “Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”./.