Những người phụ nữ "tô điểm" cho du lịch vùng hồ Ba Bể
VOV.VN - Nếu ai từng thất vọng khi đến với hồ Ba Bể (Bắc Kạn) do các loại hình dịch vụ du lịch nghèo nàn thì giờ đây, chính những du khách ấy có dịp trở lại sẽ không khỏi bất ngờ trước nhiều loại hình dịch vụ mới được hình thành. Nhiều giá trị văn hóa bản địa được phát huy tạo nét riêng cho du lịch Ba Bể, với phần đóng góp không nhỏ từ sáng tạo, kiên trì và nhạy bén của những người phụ nữ nơi đây.
Homestay Dragon House ở bản Cám, xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) dù nằm ở vị trí khá biệt lập nhưng vẫn là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách trên tuyến tham quan hồ Ba Bể. Do ở xa trung tâm nên trước đây khu vực Bản Cám chỉ là điểm du khách đi xuồng lướt qua hoặc dừng lại ăn cơm trưa với vài món ăn đơn giản. Để bản Cám thành điểm đến của du khách, chị Phạm Hồng Liên đã mạnh dạn đầu tư tạo khu vực check-in bên bờ hồ; trang trí lại cảnh quan nhà hàng, xây dựng thêm các sản phẩm dịch vụ mới như chơi tung còn, giã bánh giầy, làm khẩu sli...
Và để tạo nét riêng, chị Hồng Liên rất chú trọng đến các loại bánh trái, đồ ăn bản địa cùng những câu chuyện xung quanh những món ăn đó: "Ở đây cũng có khá nhiều chị em phụ nữ đứng ra làm du lịch, nói chung phải dựa nhiều yếu tố. Tôi làm cũng phải dựa vào bà con bản Cám với 90 hộ dân bên này, dựa vào các anh chị em trong bản hỗ trợ chứ một mình tôi cũng không làm được".
Năm 2021, homestay Quỳnh Mai của chị Đàm Quỳnh Mai tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu đã trở thành một trong những mô hình du lịch OCOP đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Đây là bước đi táo bạo và cũng đầy mới mẻ, bởi thay vì có thể khai thác lợi thế tự nhiên sẵn có, chị Mai đã tạo ra một mô hình du lịch bền vững và thân thiện môi trường, hướng tới cộng đồng.
Để thực hiện mô hình du lịch OCOP, chị Mai đã bỏ nhiều công sức, vốn liếng cải tạo cơ sở hạ tầng và gây dựng chuỗi hoạt động du lịch cộng đồng với sự tham gia của nhóm phục vụ chèo thuyền kayak, nhóm dịch vụ xuồng, nhóm phục vụ văn nghệ... Không còn thụ động chờ khách, chị Mai và hầu hết các cơ sở du lịch, dịch vụ ở đây cũng chủ động tiếp cận, học hỏi về công nghệ để khai thác, quảng bá du lịch trên các website, nền tảng mạng xã hội.
Chị Đàm Quỳnh Mai cho biết: "Các đơn vị du lịch chúng tôi đòi hỏi ngày càng phải nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách. Chúng tôi cũng từng bước áp dụng công nghệ số cho quảng bá, ví dụ khách đến chúng tôi đầu tư thêm máy móc, thiết bị để livestream".
Ngoài các chủ cơ sở kinh doanh, rất nhiều phụ nữ cũng tham gia làm hướng dẫn viên, mở dịch vụ ăn uống và các chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách. Chị Hoàng Thị Len - Chủ nhiệm CLB văn nghệ dân gian Hương Quê (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể) cho rằng các câu lạc bộ hát Sli, Lượn... vừa góp phần gìn giữ nét văn hóa bản địa, vừa tạo thêm công ăn việc làm và tạo ra được nét riêng có cho du lịch Ba Bể.
"Là phụ nữ vùng cao Bắc Kạn chúng tôi rất tự hào khi được tham gia vào hoạt động du lịch và đem bản sắc văn hóa giới thiệu đến mọi người. Chúng tôi sẽ phát huy và tiếp tục cố gắng luyện tập, để bản sắc văn hóa của chúng tôi quảng bá rộng rãi hơn" - chị Hoàng Thị Len chia sẻ.
Hiện nay, phần lớn các homestay, các mô hình du lịch tại Ba Bể đều do phụ nữ làm chủ hoặc có sự tham gia tích cực của chị em trong vai trò quản lý. Với sự tinh tế và nhạy bén của phụ nữ, các dịch vụ du lịch đã trở nên phong phú hơn. Ngoài ra, điều mà nhiều phụ nữ làm du lịch vùng hồ Ba Bể đang hướng tới là chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng những sản phẩm du lịch riêng có. Không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình, phụ nữ vùng hồ Ba Bể đang góp phần tạo nên những đổi thay tích cực cho du lịch Bắc Kạn./.