Đẩy mạnh “Du lịch bốn mùa” ở ĐBSCL

Khí hậu quanh năm ấm áp và ít có thay đổi lớn về thời tiết, đây được xem là một thế mạnh đặc trưng của khu vực sông nước miền Tây để thu hút khách du lịch quốc tế đến trú đông.

Là một vùng lãnh thổ rộng lớn, trù phú và đông dân, khí hậu ổn định và ít xảy ra thiên tai, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Sau vùng đồng bằng Amazon, đồng bằng Sông Hằng, ĐBSCL đứng vị trí thứ 3 trên thế giới về những lợi thế này. Trong đó, đáng kể là tiềm năng du lịch sinh thái dã ngoại, cảnh quan thiên nhiên gắn với vùng sông nước miệt vườn; du lịch cộng đồng trên cơ sở phát triển làng nghề cổ truyền với nhiều lễ hội truyền thống đặc trưng.

Trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức cuối năm 2009, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, ĐBSCL là khu vực đa dạng về văn hóa, dân tộc, đặc biệt có thể phát huy tốt loại hình “du lịch bốn mùa” do khí hậu quanh năm ấm áp.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2000-2008, lượng khách quốc tế tham quan du lịch khu vực ĐBSCL hàng năm chiếm khoảng 4,3-6,5% so với cả nước. Khách du lịch nội địa cũng chiếm khoảng từ 5-9%, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của vùng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm phát triển, ngành du lịch vùng này đã bộc lộ nhiều hạn chế như chưa có qui hoạch đầu tư tổng thể, sản phẩm du lịch đơn điệu, nguồn nhân lực thiếu, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, nhiều chuyên gia về lĩnh vực du lịch cho rằng ĐBSCL cần phát huy lợi thế “du lịch bốn mùa” và xem đây là thế mạnh cạnh tranh của mình đối với các vùng miền khác ở trong nước và trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng Giám đốc Công ty APEX Việt Nam - đơn vị chuyên tổ chức tour du lịch cho khách Nhật Bản sang du lịch ở Việt Nam cho rằng, tiềm năng du lịch của ĐBSCL là rất lớn. Khách du lịch Nhật Bản khi đến Việt Nam rất thích thú với phong cảnh tự nhiên, sông nước, đặc biệt là khí hậu ấm áp. Người Nhật có thu nhập cao, vì vậy nếu ĐBSCL triển khai mạnh loại hình du lịch này chắc chắn sẽ thu hút thêm nhiều lượt khách đến lưu trú, tham quan và thu được lợi nhuận.

Theo ông Trần Hùng Việt, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, đơn vị du lịch hàng đầu của Việt Nam, điều kiện tự nhiên để ĐBSCL tổ chức loại hình du lịch bốn mùa rất thích hợp. Lợi thế của khu vực này có sông nước, phong cảnh tự nhiên, thế mạnh sản xuất nông nghịêp mà những nước khác không có nên đây là một điều kiện tuyệt vời. Bên cạnh đó, Việt Nam nói chung và ở ĐBSCL thì rất yên bình, an ninh được đảm bảo nên du khách rất thích. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công tác triển khai thực hiện còn một số khó khăn.

Theo ông Việt, hiện tại ở ĐBSCL chưa có khu du lịch nào có thể đáp ứng đầy đủ những điều kiện cần thiết để tổ chức tour du lịch bốn mùa hay du lịch trú đông. Bởi vì khi du khách nghỉ dưỡng thì không thể đóng khung trong một toà nhà, hay ở trong một khách sạn, mà resort là điểm lưu trú thích hợp. Ông Trần Hùng Việt cho rằng: “Chúng ta phải có quy hoạch và mặt bằng để đầu tư. Bên cạnh đó, để thực hiện thì phải tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư. Và khi có được hạ tầng rồi thì mới quảng bá được. Bởi khi mình thực hiện thì phải có sản phẩm du lịch để các hãng lữ hành giới thiệu. Từ đó mới khai thác tốt thế mạnh này.

Do vậy, vấn đề đặt ra là để phát huy thế mạnh du lịch riêng của khu vực ĐBSCL mà đặc biệt là loại hình “du lịch bốn mùa” thì ngành du lịch ở vùng Châu thổ Cửu Long cần phải có sự hợp sức, tăng cường sự liên kết, hợp tác để tạo điểm nhấn du lịch cho toàn vùng đồng bằng khởi sắc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.