Du lịch sinh thái – hướng đi tất yếu của miền núi Khánh Hòa
VOV.VN - Miền núi Khánh Hòa đang được định hướng trở thành điểm đến mới của du lịch sinh thái. Với khí hậu ôn hòa, cảnh quan hoang sơ, văn hóa bản địa đặc sắc, vùng đất này hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, cần sự đồng bộ về hạ tầng, sản phẩm và cách làm du lịch.
Từ ngày 1/7/2025, huyện Khánh Sơn (cũ), tỉnh Khánh Hòa được sắp xếp lại, giảm từ 8 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 3 xã: Khánh Sơn, Tây Khánh Sơn và Đông Khánh Sơn. Việc sắp xếp này không chỉ tinh gọn bộ máy mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quy hoạch và phát triển du lịch sinh thái.
Những năm gần đây, Khánh Sơn bắt đầu đón khách từ nhiều tỉnh, thành. Du khách tìm đến để tận hưởng không khí mát lành, khám phá cung đường Tà Giang, tắm thác Tà Gụ, ghé thăm vườn sầu riêng vào mùa trái chín. Những bản làng Raglai nằm e ấp dưới chân núi cũng khiến nhiều người tò mò và thích thú.
Anh Trần Đức Huy, ở thành phố Nha Trang cho biết, lần đầu tiên, anh lên Khánh Sơn, đường hơi khó đi nhưng cảnh rất đẹp, mát mẻ. “Tôi cảm nhận đây là một nơi rất đẹp, phong cảnh hữu tình không chỉ vùng đất Khánh Sơn mà còn có thác Tà Gụ, non xanh nước biếc. Người dân thì vui vẻ, thân thiện dù điều kiện vật chất còn hạn chế. Hôm nay tham gia chương trình, tôi thấy rất thoải mái”- anh Trần Đức Huy nói.

Từ chỗ chỉ có vài nhóm nhỏ trải nghiệm, nay vùng đất Khánh Sơn đã bắt đầu hình thành các mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên. Tại xã Sơn Lâm (cũ) nay là xã Tây Khánh Sơn, một nhóm thanh niên đang triển khai hoạt động trải nghiệm nông nghiệp, tìm hiểu văn hóa Raglai, thưởng thức ẩm thực địa phương. Một số hộ dân cũng mạnh dạn làm homestay nhỏ, bước đầu tạo thêm thu nhập từ việc đón khách. Tuy nhiên, lượng khách còn chưa ổn định, các dịch vụ vẫn trong giai đoạn thử nghiệm. Hệ thống lưu trú, ăn uống, hướng dẫn viên còn thiếu và yếu. Hạ tầng giao thông gặp khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Sản phẩm du lịch còn đơn lẻ, chưa kết nối thành tour tuyến hoàn chỉnh.
Ông Phạm Minh Nhựt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa nhận định, muốn phát triển du lịch miền núi, trước hết phải làm tốt hạ tầng, có sản phẩm đặc trưng và người dân địa phương phải tham gia cùng làm, cùng hưởng lợi. Du khách hiện nay muốn trải nghiệm sâu, không đơn thuần là đi cho biết. Theo ông Phạm Minh Nhựt, nếu không có sản phẩm độc đáo và dịch vụ đạt chuẩn, thì dù thiên nhiên có đẹp đến mấy cũng khó giữ chân được họ. “Có hai yếu tố hạ tầng mà chúng tôi quan tâm nhất, đó là hạ tầng cơ sở dịch vụ và hạ tầng giao thông. Hiện nay, đường sá đi lại còn rất quanh co, đèo dốc khiến du khách ngại quay lại lần thứ hai. Họ thường so sánh với những điểm đến khác có giao thông thuận tiện hơn. Nếu tuyến đường vào khu du lịch được đầu tư tốt, đi lại dễ dàng thì khả năng phát triển sản phẩm du lịch sẽ cao hơn rất nhiều” - ông Phạm Minh Nhựt nói.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang hoàn thiện Đề án phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu là hình thành các điểm đến gắn với bảo tồn thiên nhiên, phát huy bản sắc văn hóa và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Cùng với hạ tầng, Khánh Hòa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lưu trú, ẩm thực, tour trải nghiệm nông nghiệp – văn hóa. Các hoạt động quảng bá sẽ tập trung vào lễ hội trái cây, chợ phiên vùng cao, đêm cồng chiêng, sản phẩm OCOP và hành trình khám phá đời sống đồng bào Raglai. Mục tiêu là xây dựng hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh, hài hòa giữa phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc.
Đặc biệt, khi chủ trương sáp nhập 2 tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận được triển khai, một cơ hội mới đang mở ra cho du lịch vùng cao. Sự liền mạch về địa lý và văn hóa giữa hai vùng đất sẽ giúp hình thành tour du lịch nội tỉnh: Kết nối người Raglai ở Khánh Sơn – Bác Ái, kết nối di sản Chăm ở Ninh Thuận với văn hóa bản địa Khánh Hòa. Đây là lợi thế riêng có, giúp phát triển du lịch văn hóa dân tộc thiểu số theo chiều sâu, hấp dẫn cả du khách trong nước và quốc tế.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, du lịch miền núi phải gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Các địa phương phát huy tốt các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, không làm theo phong trào, mà phải chuyên nghiệp, bài bản, có quy hoạch và có sản phẩm cụ thể.
"Sự quan tâm đến việc phục dựng lại lễ hội truyền thống là rất cần thiết. Khi người dân tham gia múa, mặc lại trang phục truyền thống, đó không chỉ là hoạt động văn hóa mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Nếu đưa khách vào một bản mà thấy người dân mặc quần bò, đi giày tây thì còn gì là bản sắc nữa? Khách du lịch sẽ không cảm thấy hấp dẫn. Phải giữ gìn đúng từ trang phục, phong tục đến không gian truyền thống. Những con đường mòn, những vườn rau rừng hai bên đường – đó mới là điều khiến du khách nhớ và muốn quay lại. Ăn một bữa rau rừng, rau sạch ngay tại chỗ còn đáng quý hơn nhiều món đặc sản đắt tiền" - ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nói.