Phố đi bộ Hà Nội, nở rộ nhưng không đồng đều
VOV.VN - Thước đo quan trọng nhất để phố đi bộ thành công là nhu cầu của công chúng. Việc đáp ứng nguyện vọng của người dân sẽ giúp phố đi bộ hoạt động hợp lý và khả thi. Vậy những phố đi bộ ở Hà Nội đã đáp ứng nhu cầu của người dân như thế nào?
Nếu lấy tiêu chí đông người tham gia, thì phố đi bộ quanh hồ Gươm đã đạt được kỳ vọng. Nhiều lúc phố đi bộ Hồ Gươm như hội chợ, hoặc trở thành sân khấu ca nhạc hấp dẫn. Người dân đến đây có thể vui chơi ở nhiều địa điểm nổi tiếng của Hà Nội như Nhà hát Lớn, tháp Rùa, cầu Thê Húc, đến được phố cổ, la cà quán xá, thưởng thức những món đặc sản thủ đô. Có thể nói không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận đã trở thành thương hiệu, điểm đến của người dân và du khách trong, ngoài nước. Trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ quanh hồ Gươm đón khoảng 20.000 khách. Khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Hàng trăm sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong nước, các tổ chức quốc tế đã được tổ chức tại đây.
Tuy nhiên những hoạt động của phố đi bộ hồ Gươm lại ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày của người dân sống trong không gian phố đi bộ. Sự ô nhiễm về tiếng ồn, sự nhếch nhác của việc bán hàng rong và ô nhiễm rác thải sau mỗi lần tổ chức phố đi bộ đang thực sự ám ảnh người dân. “Không thể ngủ sớm trước 12h đêm vì ồn, xem tivi cũng không xem được vì nhạc ngoài đường ồn lắm, mọi sinh hoạt đều đảo lộn. Hồi đầu thì cũng háo hức lắm, giờ thấy sợ"- một người dân sống tại khu phố đi bộ hồ Gươm than thở.
Kể từ khi khai trương, phố đi bộ Trịnh Công Sơn chỉ thu hút khách khoảng 3 tháng đầu. Ban ngày rất ít người lui tới vì nắng nóng do thiếu bóng cây xanh. Vào buổi tối cuối tuần, cả phố chỉ có thêm một vài quán ăn, quán nước và những cá nhân hoạt động nghệ thuật đơn lẻ. Không gian văn hóa phố Trịnh Công Sơn từng được kỳ vọng trở thành sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... của các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nơi trên cả nước, nhưng không thành. Nhiều khi các nghệ sĩ biểu diễn trong tình trạng không có người xem. Theo đánh giá của người dân xung quanh, phố đi bộ không đặc sắc, việc mở các quán bán hàng càng làm cho mọi người thấy phản cảm hơn.
“Nơi này bản thân đã là chỗ cho mọi người đi dạo rồi, kể từ ngày mở ra phố đi bộ bày bán quán hàng dọc hai bên đường mà bán toàn các đồ ít người mua, nên vừa bừa bộn, vừa nhếch nhác… đã là nơi đi bộ thì đừng dùng chung thành chỗ bán hàng”- nhiều người dân ở gần khu vực phố đi bộ Trịnh Công Sơn nêu ý kiến.
Khu phố ẩm thực đêm, kết hợp đi bộ tại Đảo Ngọc Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đã khai trương, góp thêm không gian vui chơi, giải trí, mua sắm cho người dân Thủ đô và du khách. Theo ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, đây không đơn thuần là một tuyến phố đi bộ, mà chính quyền và người dân nơi đây muốn tận dụng để giới thiệu về những giá trị lịch sử và quảng bá những món ăn ngon địa phương tới mọi người: “Không gian Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã tổ chức tại 2 tuyến phố giao cắt trung tâm đảo gồm Ngũ Xã và Nguyễn Khắc Hiếu, dài khoảng 120m, tạo sự lan toả toàn bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã, phường Trúc Bạch. Các hoạt động của không gian khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã sẽ tập trung vào phát triển các hoạt động kinh doanh hiện có tại đây, kết hợp chợ hàng hóa, sản phẩm OCOP, trưng bày giới thiệu nghề truyền thống đúc đồng Ngũ Xã phục vụ khách tham quan, du lịch".
Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã đã trở thành một không gian văn hoá ẩm thực mới trên địa bàn Hà Nội, là nơi giới thiệu, vinh danh nghề đúc đồng truyền thống; đồng thời cũng là nơi có thể thư giãn dạo bước ngắm cảnh hồ, thưởng thức các hoạt động văn hóa văn nghệ, hòa mình vào các nghi lễ truyền thống trong các ngày lễ, ngày xuân… Việc mở phố đi bộ kết hợp khu ẩm thực này cũng tạo sự hưng phấn với du khách và những người dân địa phương.
Phố đi bộ quanh Hồ Gươm có quá nhiều lý do để thành công. Ngoài vị trí đắc địa, khu phố này còn có hệ sinh thái xung quanh như phố cổ, Nhà thờ Lớn, Nhà hát Lớn. Đây lại là phố đi bộ đầu tiên làm mọi người tò mò, hứng khởi và sau đó trở thành thói quen. Trước khi có phố đi bộ thì nhiều người đã có thói quen cuối tuần lên Hồ Gươm đi dạo. Không thể bê nguyên xi mô hình phố đi bộ để áp dụng cho các trường hợp khác nhau, trong khi mỗi phố cần có những đặc trưng, nét hấp dẫn riêng.
Thước đo quan trọng nhất để phố đi bộ thành công là nhu cầu của công chúng. Việc đáp ứng nguyện vọng của người dân sẽ giúp phố đi bộ hợp lý và khả thi. Du khách và nhân dân không nên lấy sự thất bại của một trường hợp mà phủ nhận thành công của cả một mô hình, KTS Trần Huy Ánh nêu ý kiến. KTS Huy Ánh cũng cho rằng, nên điều hòa giữa lợi ích về kinh tế và tinh thần của người dân sống trong khu vực phố đi bộ và du khách. Đừng nên quá chú trọng vào thương mại hóa thì việc quản trị sẽ trưởng thành lên rất nhiều. "Đừng đem những lợi ích thương mại, hoặc những sự kiện sai lệch đi để đặt vào một khung cảnh với một cái tên được ủng hộ đó là Phố đi bộ"- KTS Huy Ánh nêu quan điểm.
Hà Nội sẽ còn phát triển, mở rộng từ 3 đến 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ. Trong năm 2023 này sẽ có thêm 2 phố đi bộ mới là: phố đi bộ Hoàng Mai, quận Hoàng Mai và tuyến phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình đi vào hoạt động. Cũng theo kế hoạch, khu vực xung quanh di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được định hướng quy hoạch thành không gian văn hóa, tuyến phố đi bộ kết hợp với phát triển mô hình kinh tế ban đêm. Chính quyền và các nhà tổ chức phố đi bộ cần hài hòa lợi ích giữa thương mại và đời sống tinh thần của nhân dân để phố đi bộ thực sự là nơi thu hút khách mỗi dịp được tổ chức./.
- Năm 2003, chợ đêm Đồng Xuân, nằm trong khu phố cổ Hà Nội, khai trương 67 gian hàng. Gian trước mặt chợ chủ yếu bán hàng thủ công mỹ nghệ và đồ lưu niệm, 44 gian dọc phố Hàng Khoai bán các sản phẩm vải áo dài, thổ cẩm... và 11 gian hàng ẩm thực, hoạt động đến 2h sáng. Chợ đêm Đồng Xuân được coi như bước đệm để thành phố mở phố đi bộ đầu tiên ở quận Hoàn Kiếm, ngày 1/10/2004. - Năm 2016, quận Hoàn Kiếm, đã 3 lần mở rộng và làm mới các tuyến phố đi bộ. Không gian đi bộ khu vực bảo tồn cấp I - khu phố cổ Hà Nội năm 2014 gồm: Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ, Hàng Giấy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện. Cuối năm 2020 thêm 8 tuyến phố trở thành không gian đi bộ gồm: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ, Ô Quan Chưởng; ba ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên và Phất Lộc. - Giữa năm 2018, không gian đi bộ ở phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, đi vào hoạt động. Phố đi bộ này dài 990 m từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến đoạn giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ - Đợt nghỉ lễ 30/4 năm 2022, tuyến phố đi bộ thứ tư của Hà Nội quanh Thành cổ Sơn Tây bắt đầu hoạt động. - Cuối năm 2022, Hà Nội mở thêm 2 tuyến phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang của quận Hai Bà Trưng và không gian phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc Ngũ Xã, quận Ba Đình. |